Phát huy thế mạnh làng nghề từ liên kết chuỗi sản phẩm

24/05/2023 3:34 PM

(Chinhphu.vn) - Việc phát huy thế mạnh của các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP cũng chính là phát huy những tinh hoa, giá trị của đất trăm nghề. Tuy nhiên, Hà Nội cần đẩy mạnh việc liên kết chuỗi để nâng cao, phát triển sản phẩm một cách bền vững và hiệu quả.

Phát huy thế mạnh làng nghề từ liên kết chuỗi - Ảnh 1.

Hà Nội có nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng, trong đó có Nón Chuông của huyện Thanh Oai. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Hà Nội có 149 chuỗi sản phẩm, 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong 1.350 làng nghề và làng có nghề của Hà Nội, thời gian qua có một số làng nghề, làng có nghề bị mai một. Đến nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề.

Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề cho 20 làng nghề thuộc 10 quận, huyện. Trong đó, có 17 làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ ra Quyết định chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. 

Bên cạnh đó, tính đến nay, Thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận, có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Năm 2022, Hội đồng OCOP Thành phố đã tổ chức 13 hội nghị đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã. Trong 518 sản phẩm có 220 sản phẩm OCOP từ làng nghề, làng có nghề, chiếm 42,5%.

Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 149 chuỗi sản phẩm, trong đó có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Có nhiều mô hình điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu Cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi Thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội... 

Thành phố cũng có 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình nuôi trồng thủy sản. Hà Nội cũng đã có doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nấm. Giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau hữu cơ cho thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm, trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 0,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, sự phát triển làng nghề đã tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả lao động già cả, người khuyết tật, trẻ em. 

Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác. 

Một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã chủ động trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ sản xuất trong làng nghề tham gia các Hội chợ, lễ hội nhằm phát triển làng nghề, quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề; hỗ trợ đào tạo nghề, nhân cấy nghề, đầu tư phát triển hạ tầng làng nghề, giải quyết từng bước việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề… 

Các sản phẩm OCOP của Thành phố đã được kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...

Các chuỗi đã tạo ra diện mạo mới cho ngành nông nghiệp, tạo bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế. Đồng thời đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. Nhóm chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực Thành phố, chuỗi sản phẩm đặc sản địa phương đã dần hình thành với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành để thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân sản xuất. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia liên kết hợp tác xây dựng.

Hội trưởng Hội doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung cho biết, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 142 đơn vị tổ hợp, Hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân và các công ty trách nhiệm hữu hạn vừa và nhỏ nằm trên 32 xã, thị trấn chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm mây tre, lá, cỏ. Mỗi năm cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng.

Nghề mây tre đan vừa có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, vừa có lực lượng lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nghề này cần ít vốn và xoay vòng vốn nhanh, giải quyết nhiều việc làm cũng như thường được thực hiện trong các gia đình nông dân trong lúc nông nhàn.

Phát huy thế mạnh làng nghề từ liên kết chuỗi - Ảnh 2.

Để phát triển nghề mây tre, lá cỏ... các nguyên liệu từ chuối, mướp hiện được dùng để thay thế cho nguồn nguyên liệu truyền thống . Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản an toàn

Mặc dù nguồn nguyên liệu ở các vùng đồng bằng trung du trên địa bàn Hà Nội không có trồng thêm, nhưng kể từ khi nhà nước giao đất, giao rừng đến nay, nguồn nguyên liệu này đã được các chủ sở hữu bảo tồn, phát triển diện tích trồng nguyên liệu, tổ chức khai thác để bán ra thị trường, đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, làng nghề sản xuất. Từ khâu nguyên liệu đến sơ chế, sản xuất và mang đi tiêu thụ đã tạo thành một vòng tròn khép kín, vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vừa phát huy thế mạnh làng nghề của địa phương không bị mai một.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chí, mặc dù các làng nghề cũng như các sản phẩm OCOP tại các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay đã phát triển hơn nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế, đường giao thông xuống cấp. 

Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thiếu bền vững, tính cạnh tranh nhiều sản phẩm làng nghề chưa cao. Các liên kết chuỗi không bền vững do bên sản xuất và tiêu thụ không khớp nối liên kết nên khi được mùa thì mất giá khiến Hợp đồng liên kết 2 bên dễ bị phá vỡ.

Vì vậy, để tiếp tục phát huy giá trị làng nghề và các sản phẩm OCOP đã đạt chuẩn, theo ông Nguyễn Văn Chí, Hà Nội sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, người tham gia sản xuất nông nghiệp, người tiêu dùng về phát triển nông nghiệp theo chuỗi, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP và các tác động tích cực tới đời sống kinh tế, xã hội. 

Từ đó, tạo sự thống nhất các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí quan trọng, tính tất yếu của phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn; trách nhiệm của các cấp, các ngành; chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước đối với phát triển nông nghiệp bền vững, sự cần thiết và yêu cầu khách quan cần phải tiếp tục củng cố, đổi mới phương thức phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hợp tác và liên kết trao đổi, tiêu thụ giống vật tư, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề Hà Nội với các tỉnh thành, các tỉnh thành với Hà Nội. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong việc kiểm soát số lượng, sản lượng nông sản lưu thông tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh. Đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối tiêu dùng...

Bên cạnh đó, cần chủ động tìm hiểu thị trường nước ngoài, chú trọng các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…thông qua các hoạt động khảo sát, xúc tiến thương mại nhằm định hướng xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực theo chuỗi, các sản phẩm nông sản chế biến sâu của Hà Nội theo hướng xuất khẩu và các tư duy mở rộng tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, không nên phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Ngoài ra, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ Nano trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất.

Thiện Tâm

Top