Phát huy thế mạnh sản xuất dược liệu tại huyện miền núi

19/07/2024 4:18 PM

(Chinhphu.vn) - Huyện Ba Vì là huyện miền núi của TP. Hà Nội, với nhiều điều kiện thuận lợi cũng như tiềm năng, thế mạnh phát triển cây dược liệu. Qua đó góp phần giúp nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phát huy thế mạnh sản xuất dược liệu tại huyện miền núi- Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc huyện Ba Vì bên vườn dược liệu. Ảnh: VGP/TT.

Theo bà Mai Minh Hương, Phó Trưởng phòng kỹ thuật và chính sách nông nghiệp- Sở NN&PTNT Hà Nội, cây dược liệu của Hà Nội hiện nay được trồng chủ yếu tại các địa phương: Sóc Sơn, Phú Xuyên, Đông Anh, Sơn Tây, Quốc Oai, Chương Mỹ và Ba Vì. Trong giai đoạn 2020-2023, diện tích trồng cây dược liệu có xu hướng giảm 11,75%/năm; năng suất cây dược liệu của thành phố có xu hướng tăng từ 73,5 tạ/ha (năm 2020) lên 86,05 tạ/ha (năm 2023), tương đương tăng bình quân 5,4%/năm.

Bên cạnh đó, nguồn gen dược liệu được trồng trên địa bàn Hà Nội khá đa dạng, với khoảng 176 nguồn gen được gieo trồng trên địa bàn 16 quận, huyện. Trong đó, nguồn gen cây dược liệu chủ yếu tập trung tại hai huyện Sóc Sơn và Ba Vì, đây chính là hai huyện miền núi có rừng cũng như điều kiện thời tiết khí hậu phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu như: Khôi tía, trà hoa vàng, thìa canh, kim ngân hoa, đương quy, cát cánh, sachi, bạc hà, tàu bay, đinh lăng, trà hoa cúc Nhật, mộc hoa, nhân trần…

Để phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố, trong thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển cây dược liệu, các địa phương cần rà soát, nghiên cứu để cùng hỗ trợ cho nông dân. Tính đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đánh giá 458 loài thực vật được ghi nhận sử dụng làm thuốc trên địa bàn huyện Ba Vì. Theo đó, huyện Ba Vì cần nghiên cứu phát triển loại nào cho phù hợp. Ngoài ra, Ba Vì phối hợp với Vườn quốc gia Ba Vì để bảo tồn nhưng cần bảo đảm theo Luật Lâm nghiệp.

Để cây dược liệu tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển dược liệu cũng như tác dụng của dược liệu; quảng bá, xây dựng thương hiệu dược liệu và y dược cổ truyền, nhất là các sản phẩm dược liệu đặc trưng của thành phố…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, khu vực núi Ba Vì có nhiều tiềm năng lớn về thổ nhưỡng, địa lý để phát triển cây dược liệu. Huyện có hơn 500 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài quý và đặc hữu được người Dao dùng làm thuốc chữa bệnh. Ngoài nguồn nguyên liệu tại chỗ, người Dao còn lấy các cây thuốc ở các đồi Suối Hai, Đá Chông (Ba Vì)… và một số tỉnh phía Bắc như: Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La... Tiêu biểu nhất là thuốc Nam của người Dao chủ yếu sử dụng thân cây, cây dây leo, lá và củ.

Hiện nay, huyện Ba Vì có 3 thôn: Hợp Sơn, Hợp Nhất, Yên Sơn được công nhận là làng nghề thuốc truyền thống. Nghề thuốc Nam phát triển cả 3 thôn, với khoảng 80% gia đình trồng, thu hái, sơ chế, chữa bệnh từ các cây dược liệu. Đặc biệt, thôn Yên Sơn có khoảng 250/250 hộ đều làm nghề thuốc và thôn được công nhận là Làng nghề thuốc Nam. Thôn Hợp Sơn có 271 hộ làm nghề thuốc. Ngoài ra, huyện Ba Vì cũng thành lập Hội Đông y Ba Vì, với trên 477 hội viên.

Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Vì cho biết, sau 20 năm hoạt động, Hội Đông y huyện Ba Vì có 500 hội viên ở 31/31 xã, thị trấn và một số thành viên thuộc cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, như: Trung tâm Y tế huyện, 31/31 trạm y tế xã, thị trấn, Công ty cổ phần Ao Vua… Thời gian qua, Hội đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức điều tra nguồn dược liệu do các hội viên trồng, sử dụng, từ đó hoàn thiện hồ sơ 507 loại cây thuốc có trên vùng núi huyện Ba Vì; phối hợp với Viện Y học cổ truyền Việt Nam tham gia xây dựng đề tài cấp Bộ về điều tra, thống kê các loại cây thuốc…

Trong năm 2021, Hội Đông y huyện cùng Phòng Kinh tế huyện phối hợp với Sở KH&CN, Công ty TNHH tư vấn và phát triển thương mại AMC Việt Nam tổ chức xây dựng thành công thương hiệu tập thể "Dược liệu và thuốc nam Ba Vì", được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Mặc dù vậy, việc phát huy thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng của cây dược liệu vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn Ba Vì vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Bà Minh đề nghị các cấp, ngành Trung ương, thành phố và huyện Ba Vì quan tâm đến hoạt động của Hội, quan tâm phát triển dược liệu Ba Vì, từ đó có sự chỉ đạo, quy hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu tập trung để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu.

Theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội, Ba Vì là địa phương có rất nhiều tài nguyên để phát triển cây dược liệu nhưng hiện nay nguồn dược liệu đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt, theo đó phải có các biện pháp để bảo tồn và phát triển.

Thời gian tới, huyện Ba Vì cần hình thành vùng chuyên canh tập trung để kiểm soát chất lượng từ vùng trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù hiện nay huyện đang có 8 xã có lợi thế phát triển cây dược liệu, tuy nhiên cần quy hoạch cụ thể để mỗi xã trồng loại nào cho phù hợp.

Bên cạnh đó, do Hà Nội hiện chưa có cơ sở sản xuất dược liệu lớn nên cần ưu tiên các hộ trồng cây dược liệu. Các ngành chức năng cần thường xuyên mở các lớp tập huấn từ nuôi trồng, thu hái, chế biến theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Các sở, ngành tham mưu Thành phố có chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến cây dược liệu; nghiên cứu khoa học, phối hợp với các trường để các nhà khoa học chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân.

Các địa phương cần quan tâm tới vấn đề sản xuất cây dược liệu sạch, bởi doanh nghiệp rất lo ngại về việc trồng dược liệu nếu như đất trước đó đã sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Thiện Tâm

Top