Phát huy vai trò của các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội

23/06/2022 12:42 PM

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tích cực phối hợp với Thủ đô Hà Nội tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của từng vùng, tạo sự thông nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh cho Thủ đô Hà Nội.

Phát huy vai trò của các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.

Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua một số quận, huyện của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, kỳ vọng tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực lan tỏa liên vùng. Ảnh minh họa

Mới đây tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định, những năm qua, với tình cảm, trách nhiệm của cả nước vì Hà Nội và với sự đoàn kết, thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung cao của Thành ủy-HĐND-UBND Thành phố, TP. Hà Nội đã phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực.

Trong đó có nhiều điểm nhấn quan trọng, với nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước, thể hiện rõ vai trò là đầu tàu, liên kết và phát triển kinh tế trong vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

"Các tỉnh trong vùng Thủ đô, trong đó có Bắc Ninh có được phát triển như hôm nay cũng nhờ vào ảnh hưởng lan tỏa đó. Bắc Ninh đã tận dụng được vị trí địa lý gần Hà Nội, phát huy lợi thế so sánh riêng có để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ số kinh tế-xã hội", Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Với quan điểm của Nghị quyết 15 về ''xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển'', tỉnh Bắc Ninh thấy được trách nhiệm với tư cách là tỉnh có vai trò là cực tăng trưởng trong Quy hoạch vùng Thủ đô và đang phát huy vai trò lớn hơn, dần trở thành động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Mặt khác, Bắc Ninh tham gia vào bảo đảm chuỗi liên kết các sản phẩm, không gian đô thị, bảo đảm với vai trò dẫn dắt của Thủ đô. Đây là quan điểm xuyên suốt trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh, nhằm thực hiện mục tiêu rất quan trọng mà Nghị quyết 15 đã đề ra.

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh đánh giá, quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô có thêm động lực mới từ vai trò "đầu tầu" và mối quan hệ trong tổ chức không gian kinh tế và đô thị, nâng cao hiệu quả cho chương trình phát triển đô thị các địa phương theo Nghị quyết số 06 ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

"Và tới đây, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành các Nghị quyết về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghị quyết về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng. Chúng tôi nhận thấy tính đồng bộ và thống nhất, khoa học trong việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến các lĩnh vực và vùng kinh tế", bà Đào Hồng Lan nói.

Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15, với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước" và Bắc Ninh trở thành đô thị động lực của vùng Thủ đô, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho rằng, Hà Nội cần triển khai giải pháp, lộ trình chuyển đổi các chức năng quy hoạch Vùng Thủ đô đã phân khai cho các địa phương, từng bước thực hiện quy hoạch.

"Đề nghị Hà Nội quan tâm nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông phía Hà Nội đi Bắc Ninh hiện nay đã xuống cấp, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa các địa phương, tạo động lực phát triển mới ...", Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan mong muốn. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu triển khai việc quy hoạch, xây dựng, kết nối tuyến đường sắt đô thị giữa Hà Nội và Bắc Ninh…

Còn với tỉnh Hưng Yên, những năm qua, tỉnh đã phối hợp hiệu quả với TP. Hà Nội trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp (đã xây dựng được nguồn cung cấp nhiều nông sản an toàn cho thị trường Hà Nội), lĩnh vực giao thông vận tải (phối hợp triển khai tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên-Hà Nội nối từ chân cầu Thanh Trì-Hà Nội đến Quốc lộ 39).

Hiện đang tích cực triển khai xây dựng đường Vành đai 3,5 và cầu vượt Ngọc Hồi, đường Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội; liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội, từ đó tăng cường liên kết của tỉnh Hưng Yên với các địa phương trong và ngoài vùng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của cả vùng.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên thể hiện sự thống nhất cao và coi việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị là trách nhiệm chính trị và sẽ thực hiện với quyết tâm chính trị trên tinh thần vì Hà Nội, cùng Hà Nội.

"Trước mắt, Hưng Yên sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với quyết tâm hoàn thành trước năm 2027 như Quốc hội đã đề ra"…, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top