Phát huy vai trò đầu tàu của hệ thống Khuyến nông cả nước

29/03/2023 4:31 PM

(Chinhphu.vn) - Trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, công tác Khuyến nông đóng vai trò quan trọng. Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã làm tốt sứ mệnh là người bạn đồng hành, tin cậy của nhà nông, là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Phát huy vai trò đầu tàu của hệ thống Khuyến nông cả nước - Ảnh 1.

Mô hình mạ khay máy cấy đã mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, tính đến nay đơn vị đã trải qua 30 năm hình thành và phát triển, cùng với sự phát triển của nền nông nghiệp cả nước, hệ thống Khuyến nông Hà Nội ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhiệm vụ công tác khuyến nông qua từng thời kỳ đổi mới của đất nước.

Trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới, công tác Khuyến nông đóng vai trò quan trọng. Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã làm tốt sứ mệnh là người bạn đồng hành, tin cậy của nhà nông, là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tăng nhanh hộ giàu, giảm hộ nghèo, từng bước và thúc đẩy công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.

Xác định, lan tỏa những mô hình khuyến nông hiệu quả chính là đòn bẩy, khuyến khích nông dân trên địa bàn Thủ đô mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, Quỹ Khuyến nông thành phố tiếp tục đóng vai trò cầu nối kiến tạo và phát triển các mô hình sản xuất, cơ giới hóa cho hiệu quả cao. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ khuyến nông không chỉ đáp ứng nhu cầu vay vốn mà còn tạo động lực kích thích sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Tính đến hết năm 2022 Quỹ đã giải ngân cho 4.332 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 925,236.5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác Khuyến nông đã khẳng định được vai trò quan trọng là người bạn đồng hành với nhà nông, thúc đẩy tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo nên những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp Hà Nội.

Diện mạo nông thôn ngoại thành Hà Nội hôm nay đã thực sự khởi sắc, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản Hà Nội tăng 2,58%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản: theo giá so sánh đạt 40.638,4 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm 2021. Hiện Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung (từ 50ha đến 300ha/vùng); 14.000ha rau an toàn; 50 vùng trồng hoa chất lượng cao, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn,…. 

Trên địa bàn Thành phố hiện có 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội; 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Về xây dựng nông thôn mới, Thành phố Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 57 xã nông thôn mới nâng cao và 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Thời gian qua, chương trình khuyến nông đã tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; các mô hình trình diễn giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cơ bản các mô hình đều cho kết quả tốt vừa đem lại hiệu quả  cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với nông nghiệp đô thị. Tiêu biểu là các mô hình: Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa (gieo mạ khay, cấy máy), ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cây trồng cạn (máy làm đất đa năng, hệ thống tưới nước tiết kiệm), mô hình nhà lạnh bảo quản nông sản, mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng chú trọng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường. Điển hình như mô hình nuôi thủy sản áp dụng công nghệ "sông trong ao", nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá - lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa vì tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa…

Phát huy vai trò đầu tàu của hệ thống Khuyến nông cả nước - Ảnh 2.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ cho người dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp về vốn, kỹ thuật, con giống... Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Có được kết quả này, công tác Khuyến nông thành phố đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp – nông thôn Thủ đô. Công tác khuyến nông giúp cho các địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa… nhằm giúp cho người dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính ổn định, bền vững. Góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, áp lực lạm phát, rủi ro thu hẹp thị trường gia tăng cùng với đó là các yếu tố bất thuận như giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và tác động của đại dịch COVID-19,… đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác Khuyến nông trong giai đoạn hiện nay. 

Trong chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã nêu rõ, Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Chính vì vậy, theo Trung tâm Khuyến nông, trong tình hình mới, hoạt động Khuyến nông yêu cầu ngày càng phải đa dạng, thích ứng linh hoạt, cho hiệu quả cao, hướng đến mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới. Đồng thời xoay quanh ba trụ cột gồm nông nghiệp sinh thái; nông thôn hiện đại; nông dân văn minh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế xanh.

Nền nông nghiệp nước nhà đang phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, liên kết theo chuỗi giá trị để nông sản đạt các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Công tác khuyến nông vì thế ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặt ra nhiều kỳ vọng và thách thức. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang và sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới cách tiếp cận, thay đổi nội dung và phương pháp làm khuyến nông, tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của hệ thống Khuyến nông cả nước trong việc thực hiện chương trình, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông nghiệp – nông dân – nông thôn mới hiện nay.

Thiện Tâm

Top