Phát huy vẻ đẹp của Vườn Quốc gia Ba Vì
(Chinhphu.vn) - Ba Vì không chỉ là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa khí hậu, là lá phổi của vùng Hà Nội còn có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử đặc biệt sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm.
Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: An Khuê |
Tăng giá trị của tài nguyên
Tọa lạc cách trung tâm Thủ đô chừng 50km về phía Tây, chỉ cần thích là bạn có thể đi Vườn Quốc gia Ba Vì quanh năm vì nơi đây mỗi mùa đẹp một vẻ. Trong đó, mùa Thu và mùa Hè là thời điểm đẹp nhất với những ngày trời quang, nắng nhẹ, không khí dịu mát, trong lành. Đường tới Vườn Quốc gia Ba Vì khá đơn giản.
Vườn Quốc gia Ba Vì là một tài nguyên quý của thiên nhiên và có giá trị lịch sử rất lớn, chỉ cách Hà Nội 50-60km, mất 1 giờ di chuyển từ Hà Nội nhưng 20 – 25 năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn cho Thủ đô và vùng Thủ đô.
Một số vấn đề đặt ra là khai thác đi song song với bảo vệ, tôn tạo để tài nguyên phát triển bền vững và làm tăng giá trị của tài nguyên.
Nếu không tổ chức khai thác hiệu quả, chỉ lo bảo vệ rừng thì tài nguyên sẽ cạn kiệt, không có nguồn tái tạo, nuôi dưỡng cho phát triển bền vững và sẽ là lỗi lầm của thế hệ chúng ta để lãng phí tài nguyên.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, do thời gian và biến cố lịch sử, các khu nghỉ tại Ba Vì đã bị tàn phá và chỉ còn lại là những phế tích.
Bởi vậy, nội dung khoa học về phát huy hiệu quả giá trị các công trình phế tích tại Vườn quốc gia Ba Vì – Hà Nội rất cần có sự chung tay của giới quy hoạch và kiến trúc nước nhà, đóng góp cách nghĩ, cách làm, từng bước phục dựng và phát huy giá trị để tạo dựng lại các khu nghỉ mát vùng núi có giá trị cao cho sự nghiệp phát triển du lịch và phục vụ tốt nhất nhu cầu nghỉ mát của người dân.
Bảo vệ rừng Quốc gia Ba Vì nằm trong nội dung của “Luật bảo vệ và phát triển rừng” trong đó đề cập việc quản lý, bảo vệ và phát triển và sử dụng rừng với tư tưởng đảm bảo phát triển bền vững dựa trên kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ và phát triển với khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và chủ rừng ….
Điều này được hiểu rằng Luật không cấm khai thác tài nguyên rừng và đòi hỏi sự hợp lý, khoa học trong khai thác để cuối cùng phát triển bền vững rừng Quốc gia. Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Vì, coi việc khai thác hiệu quả chính là bảo vệ, phát triển hiệu quả.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, giải quyết giữa câu chuyện bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng Ba Vì chắc chắn là bài toán khó. Tuy nhiên, trên thế giới đã có lời giải hiệu quả, họ phát triển cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng. Phương thức này cũng đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp cho việc duy trì và bảo vệ di tích.
Cần một bản quy hoạch cụ thể
Vườn Quốc Gia Ba Vì có 1.209 loài thực vật trong đó có 21 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Bách xanh, Sến mật, Phỉ ba mũi, Dẻ tùng sọc trắng, Hoa tiên, Râu hùm, Kim tuyến... Hệ động vật có 63 loài thú, với nhiều loài quý hiếm như: Cầy gấm, Cu li lớn, Gà lôi trắng, Rồng đất, Cà cuống, Bướm rồng đuôi trắng...Việc xây dựng, xem xét, phê duyệt một bản quy hoạch xây dựng chi tiết về khai thác phế tích, phát triển dự án du lịch là điều hết sức cần thiết.
Bản quy hoạch này cần cụ thể, chi tiết cho mỗi khu vực như tại cốt 400, làm rõ khu vực hạn chế can thiệp hoặc không xây dựng; Khu du lịch cộng đồng, các dịch vụ cho phép (cắm trại, nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi, trung tâm bồi dưỡng môi trường cho cộng đồng…).
Các chuyên gia đề xuất các giải pháp khai thác phế tích phục vụ du lịch, theo các dạng: Cải tạo, xây dựng trên phế tích một công trình mới; xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích; giữ nguyên phế tích, cải tạo, nâng cấp để hình thành công trình mới với sự đan xen giữa mới và cũ, gắn với hệ thực vật bám vào phế tích. Cách làm này có thể cho chúng ta những không gian sống mới ấn tượng và đặc sắc; giữ gìn phế tích thành điểm du lịch kèm theo bản giới thiệu về lịch sử ngôi nhà….
Để khai thác tài nguyên của Vườn Quốc gia Ba Vì, gắn liền bảo vệ rừng, tôn tạo, giữ gìn di sản văn hóa, cảnh quan và phế tích để lại, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm và cả đạo đức của nhà đầu tư.
Qua khảo sát thực tế những công trình đã triển khai tại cốt 600, các chuyên gia đánh giá cao phương pháp, năng lực tổ chức thực hiện của nhà đầu tư (Công ty TNHH phát triển công nghệ và Nhà quản lý khách sạn Melia cho khu du lịch Le Mont Ba Vi Resort & Spa). Với gần 20 năm lăn lộn, bám sát dự án, đến nay cơ ngơi của khu du lịch là quá khiêm tốn chỉ với 55 phòng chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách.
GS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam ghi nhận, những can thiệp của nhà đầu tư dự án Melia Ba Vì hài hòa với cảnh quan, đều không vượt quá, thậm chí dưới những tiêu chuẩn đặt ra. Không chỉ tạo thêm cảnh quan cây xanh, dự án còn tạo thêm hệ thống mặt nước, phát lộ hệ thống di tích.
Để phát triển được Vườn Quốc gia Ba Vì đúng luật pháp, đúng tầm và bền vững theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cần có 4 yếu tố: Đó là chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời; nhà đầu tư và nhà quản lý khai thác thông minh, có tâm, có tầm, chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm; kiến trúc sư tâm huyết, có tài năng để có đồ án kiến trúc, cảnh quan tương ứng với quỹ tài nguyên đó (nhà tư vấn kiến trúc); sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hội của cộng đồng để phát triển bền vững.
An Khuê