Phát triển 5 huyện lên quận: Còn khối lượng lớn công việc để hoàn thành

02/06/2022 1:14 PM

(Chinhphu.vn) - Lộ trình và dự kiến thời gian hoàn thành để phát triển 5 huyện lên quận là từ năm 2022 đến 2025, tuy nhiên để hoàn thành 27 tiêu chí phát triển lên quận, cả 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng còn rất nhiều khối lượng công việc để hoàn thành.

Phát triển 5 huyện lên quận: Còn khối lượng lớn công việc để hoàn thành - Ảnh 1.

Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/GH

Sáng 2/6, Thành uỷ Hà Nội tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận. Cuộc họp đã nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan và và 5 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) báo cáo tình hình triển khai, từ đó Ban chỉ đạo đưa định hướng để đẩy nhanh tiến độ.

Còn khối lượng lớn công việc để hoàn thành các tiêu chí lên quận

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá cao các nỗ lực của thành viên Ban chỉ đạo để tháo gỡ cùng các sở, ngành và các huyện. Chủ tịch Thành phố nêu các sở, ngành đã tích cực hơn để "xắn tay" tháo gỡ cùng các huyện đang trong quá trình phát triển thành quận.

Đánh giá công việc khối lượng còn lớn, Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh về nỗ lực thì rất cao, tuy nhiên sơ bộ vẫn còn vướng mắc. Trong đó có việc chưa thống nhất về tiêu chí huyện lên quận, xã lên phường. Bên cạnh một số sở, ngành rất tích cực thì còn một số sở, ngành chưa tích cực tháo gỡ cùng các huyện.

Cuộc họp tập trung cập nhật tình hình mới nhất để hướng tới lộ trình tiếp theo, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, xem xét các vấn đề còn vướng mắc với các ngành dọc để giải quyết dứt điểm. 

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Đức, báo cáo của 5 huyện cho thấy, sau khi rà soát, đánh giá và thống nhất với các sở chuyên ngành, kết quả có 4 huyện (Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng) thực hiện các tiêu chí vẫn giữ nguyên so với thời điểm Ban Chỉ đạo của Thành phố họp tháng 12/2021. Riêng huyện Đông Anh sau khi rà soát và tích cực thực hiện đạt tăng thêm 5 tiêu chí so với thời điểm Ban Chỉ đạo của Thành phố họp tháng 12/2021.

Đối với 27 tiêu chí huyện thành quận, huyện Đan Phượng đạt 21/27 tiêu chí, 6 tiêu chí chưa đạt; huyện Đông Anh đạt 26/27 tiêu chí, 1 tiêu chí chưa đạt là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, tăng thêm 5 tiêu chí so với thời điểm báo cáo cuối năm 2021 (đạt 21/27 tiêu chí). Huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí, 2 tiêu chí chưa đạt. Huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí, 5 tiêu chí chưa đạt. Huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí, 3 tiêu chí chưa đạt.

Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm đã đề xuất UBND Thành phố giao nhiệm xây dựng Đề án thành lập quận và các xã thành phường và được UBND Thành phố đồng ý chủ trương.

Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, theo kết quả thực hiện các tiêu chí Đề án đến hết năm 2021 của các huyện và đánh giá của các sở, ngành thì khối lượng công việc để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt là rất lớn.

Cả 5 huyện đều đã xây dựng lộ trình và dự kiến thời gian hoàn thành (từ 2022 đến 2025), tuy nhiên Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc hoàn thành Đề án của 5 huyện đến năm 2025 là khó khả thi.

Trên cơ sở tình hình thực hiện Đề án của các huyện, đánh giá của các sở chuyên ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đến năm 2025 sẽ có 2 huyện sẽ có khả năng hoàn thành Đề án là huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm; 3 huyện còn lại: Hoài Đức, Thanh Trì, Hoài Đức  cósố lượng tiêu chí chưa hoàn thành còn nhiều (từ 3 đến 6 tiêu chí), việc hoàn thành Đề án đến năm 2025 sẽ khó khả thi.

Từ thực tế trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ban Chỉ đạo Thành phố xem xét, điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án của 5 huyện như sau: Huyện Đông Anh và Huyện Gia Lâm sẽ hoàn thành 2022-2025; còn 3 huyện còn lại rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành Đề án.

Phấn đấu Gia Lâm, Đông Anh lên quận vào năm 2023

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đề nghị thời gian tới, từng đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục làm việc với từng huyện, sở để có lộ trình và tới đây báo cáo với Thường vụ quyết tâm phấn đấu đến năm 2023 để hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận. Ngoài ra, tính toán lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính sau khi các huyện lên quận; tiếp tục rà soát lại các chính sách còn lại để thực hiện việc phân cấp cho các địa phương…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Ban chỉ đạo sẽ tập hợp lại các ý kiến tại hội nghị và sẽ ban hành thông báo kết luận cuộc họp để làm căn cứ cho các đơn vị tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển 5 huyện lên quận trong thời gian tiếp theo.

Chủ tịch Thành phố cũng đánh giá và ghi nhận tinh thần vào cuộc của các đơn vị, từ tháng 1/2022 đến nay, các sở, ngành và 5 huyện đã có quyết tâm chính trị rất lớn, vào cuộc quyết liệt theo thẩm quyền phân công để có kết quả chuyển biến tích cực. Điển hình như huyện Đông Anh sau khi rà soát và tích cực thực hiện đã tăng thêm 5 tiêu chí so với thời điểm Ban chỉ đạo họp vào tháng 12/2021; các sở, ngành đã tích cực gỡ khó cho các huyện.

Tuy nhiên, Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh, việc phát triển từ huyện lên quận là việc khó và phức tạp, vì vậy cần gắn với trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa của các huyện và các sở, ngành.

Căn cứ phân công nhiệm vụ đã có, Chủ tịch TP. Hà Nội nêu những khó khăn đều đã được xác định và đã có giải pháp. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và 5 huyện cần rà soát lại các nhiệm vụ cùng với giải pháp và báo cáo Ban chỉ đạo trong tháng 6/2022. Đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố, Chủ tịch TP. Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể tới các Phó Chủ tịch phụ trách theo thẩm quyền và các sở, ngành tiếp tục phối hợp để tháo gỡ cho 5 huyện.

Gia Huy

Top