Phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng ‘xanh hóa’

21/12/2022 2:01 PM

(Chinhphu.vn) - Muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng "xanh hóa", đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng ‘xanh hóa’ - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực chuyển mình, bắt kịp xu thế thị trường. Ảnh: Internet

Vẫn còn những thách thức

Đại diện Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ngành dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi. Đặc biệt, các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu.

Bước sang năm 2022, các chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành dệt may đều tăng hơn. Các doanh nghiệp dệt may đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất; nâng cao trình độ tay nghề; chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm.

Đặc biệt, việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chống chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, điều kiện giao hàng nhanh…

Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của dệt may Việt Nam, khi Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam ký đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. "Xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai bằng việc đầu tư công nghệ sản xuất, tự động hóa, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng tính cạnh tranh đối với khách hàng và người tiêu dùng.

Nỗ lực bắt kịp xu thế thị trường

Mới đây, tại Tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới", Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) Lê Tự Lực cho hay, hiện nay một số doanh nghiệp dệt may cũng đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động tìm nhiều giải pháp để phục hồi và khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng.

Qua thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng đã thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới, ngoài việc đa dạng hóa dòng hàng thì còn đa dạng hóa thị trường cũng như thích ứng với nền tảng cơ chế thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây.

"Việc các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được áp lực của thị trường", ông Lực nói.

Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, rất nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển mình, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với những yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường nhiều giải pháp để phát triển.

Là doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong việc trồng cây gai xanh và sản xuất sợi gai tại Việt Nam, Phó Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn An Phước Tô Đức Minh cho biết, vừa qua Tập đoàn đã đầu tư nhà máy đầu tiên ở Việt Nam có công nghệ sản xuất tự động hoá theo dây chuyền hiện đại nhập khẩu sản xuất sợi gai với quy mô 1.000 tỷ đồng. Hiện nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định và đã sản xuất được sợi có chỉ số khác nhau theo nhu cầu thị trường. Nhà máy cũng đã và đang tối ưu định mức chi phí, tiêu hao trong sản xuất.

Để hiện thực hoá mục tiêu giai đoạn 2023-2032, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận tín dụng xanh đầu tư 3 nhà máy tách keo tại những vùng nguyên liệu có diện tích lớn; một nhà máy dệt nhuộm công suất 3.600.000 mét vải/năm; một nhà máy kéo sợi hỗn hợp công suất 5.200 tấn/năm…

Theo các chuyên gia, muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng "xanh hóa", đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường,... để các doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Diệu Anh

Top