Phát triển các kênh phân phối theo hướng văn minh, hiện đại

10/02/2023 4:53 PM

(Chinhphu.vn) - Với định hướng xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Ðông Nam Á, TP. Hà Nội đang thiết lập, củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Phát triển các kênh phân phối theo hướng văn minh, hiện đại - Ảnh 1.

Các trung tâm mua sắm hiện đại đang ngày càng trở thành nhu cầu của đông đảo người dân. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng, chỉ đạo phát triển hạ tầng thương mại trong nước nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối một cách hiệu quả, bảo đảm thông suốt từ sản xuất, gia công, chế biến đến lưu thông, tiêu dùng. Trong đó quan trọng nhất là phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics...

Hệ thống hạ tầng thương mại đã từng bước góp phần hình thành nên kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Tại Hà Nội, các trung tâm mua sắm hiện đại đang ngày càng trở thành nhu cầu của đông đảo người dân Thủ đô. Ðến nay, thành phố Hà Nội đã có 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị và 1.800 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, riêng năm 2022 đã phát triển thêm được hai trung tâm thương mại là Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm và Vincom Smart City tại quận Nam Từ Liêm, 10 siêu thị và 100 cửa hàng tiện lợi.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội phối hợp các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đang đôn đốc tiến độ hoàn thành các Trung tâm thương mại Park City Yên Nghĩa (quận Hà Ðông), Aeon Mall Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), Lotte Mall Tây Hồ (quận Tây Hồ)...

Sở Công Thương cũng phối hợp tham gia góp ý 50 hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư; thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thương mại dịch vụ. Qua thống kê, có 43 dự án phù hợp quy hoạch; 7 dự án phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Mới đây, Sở Công Thương, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp UBND các quận, huyện đã rà soát, xác định địa điểm dự kiến bổ sung chức năng khu tổ hợp outlet (trung tâm mua sắm cấp vùng). Liên ngành đề xuất bố trí quỹ đất thương mại, dịch vụ (khoảng 811,57ha) tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài, để xây dựng dự án trung tâm outlet.

Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục rà soát, đề xuất bố trí quỹ đất thương mại, dịch vụ tại huyện Sóc Sơn và huyện Thanh Trì để nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án trung tâm outlet thứ hai.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, việc triển khai đầu tư xây dựng từ một đến hai khu outlet quy mô lớn là một trong 19 chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025".

Tuy nhiên, tại các nước trên thế giới, mô hình outlet là mô hình quen thuộc, phát triển mạnh, nhưng tại Việt Nam, chưa có quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể, cho nên việc nghiên cứu đề xuất và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu outlet gặp khó khăn.

Với định hướng xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Ðông Nam Á, Hà Nội đang thiết lập, củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Thành phố khuyến khích các tổ chức kinh doanh dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, oulet, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và quốc tế…, qua đó tạo đột phá trong phát triển thương mại-dịch vụ, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống nhân dân.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược; trong đó chú trọng tới các hạ tầng chợ (chợ đầu mối); trung tâm logistics.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại khi các cơ chế, chính sách hiện nay chưa có tính đột phá để hỗ trợ cho phát triển hạ tầng thương mại nói chung, nhất là các loại hình cần tập trung phát triển trong thời gian tới.

Diệu Anh

Top