Nâng cấp hạ tầng thương mại Thủ đô

26/09/2022 3:50 PM

(Chinhphu.vn) - Song song với việc thực hiện các giải pháp nhằm đón đầu xu hướng đô thị hóa, việc đầy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại cũng đang được TP. Hà Nội hết sức chú trọng.

Nâng cấp hạ tầng thương mại Thủ đô - Ảnh 1.

Người dân mua hàng hóa tại hệ thống siêu thị. Ảnh: VGP/DA

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo thống kê, toàn TP. Hà Nội hiện có 455 chợ, trong đó có 15 chợ được phân hạng 1, có 57 chợ hạng 2 và 352 chợ hạng 3. Ngoài ra, còn có 6 chợ đang chờ đánh giá và 25 chợ không đủ điều kiện để phân hạng do thuộc diện di dời, giải tỏa hoặc thuộc quy hoạch phát triển đô thị…

Trong số các chợ được phân hạng của Hà Nội, có 2 chợ đầu mối là chợ Minh Khai và chợ phía Nam; cùng 3 chợ hoạt động có tính chất đầu mối gồm: Chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ và chợ Long Biên. 

Nguồn hàng hóa thực phẩm lưu thông tại các khu chợ này trung bình mỗi ngày lên tới hàng chục tấn.

Đánh giá của cơ quan chức năng TP. Hà Nội cho thấy, trong số 455 chợ trên địa bàn, có 102 chợ kiên cố, 225 chợ bán kiên cố và 128 chợ lán tạm. Hầu hết các chợ bán kiên cố và lán tạm chưa đáp ứng đầy đủ về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ. Do được xây dựng lâu năm nên cơ sở vật chất đều xuống cấp nghiêm trọng…

Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thời gian qua, hệ thống thương mại của  TP. Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả xứng với tiềm năng sẵn có. Chưa kể, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn hiện tồn tại nhiều bất cập, khó khăn. Hầu hết các chợ được xây dựng từ nhiều năm trước, đều đã xuống cấp, không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, văn minh thương mại

Còn các loại hình trung tâm thương mại như chuỗi siêu thị Hapro, Vinmart, Big C, Co.opmart… chủ yếu là trung tâm mua sắm tổng hợp, phục vụ bán lẻ, chứ chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, các trung tâm bán buôn và trung tâm logistics lớn.

Một số trung tâm mua sắm hiện đại, mới như Aeon Mall, Royal hay Lotte… tuy có quy mô lớn hơn, song vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam), nên chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.

Tăng cường thu hút đầu tư

Để bảo đảm hoạt động giao thương, Hà Nội đã quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện cải tạo, nâng cấp hầng năm. Trong giai đoạn 2010-2015, TP. Hà Nội đã triển khai xây dựng mới, xây dựng lại tổng số 72 chợ, với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội tiếp tục bố trí khoảng 800 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 80 chợ.

Mặc dù vậy, theo đánh giá việc kêu gọi đầu tư, nâng cấp các chợ từ nguồn xã hội hóa hiện rất hạn chế. Số lượng dự án thực hiện đấu thầu thành công còn ít. Cá biệt có một số chợ đã được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ nhiều năm nay nhưng chậm triển khai…

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để hoàn thành mục tiêu này, TP. Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố sẽ tăng cường các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển tổng thể; tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để khắc phục khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực...

Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động thương mại trên địa bàn không chỉ góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, mà còn hỗ trợ bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Các doanh nghiệp bán lẻ như: Hapro, AEON Mall, Winmart, Co.opmart, Big C, Lotte… ngoài việc kinh doanh còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn.

Thời gian tới, TP. Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Thủ đô.

Để hoàn thành mục tiêu này, Thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ để tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.

Diệu Anh

Top