Thương mại giữ vững vai trò trụ cột của nền kinh tế Thủ đô

10/09/2022 7:07 AM

(Chinhphu.vn) - Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đến nay hoạt động mua sắm của người dân đã dần phục hồi trở lại. Đây là cơ sở để thương mại nội địa tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, giữ vững vai trò trụ cột của nền kinh tế.

Thương mại giữ vững vai trò trụ cột của nền kinh tế Thủ đô - Ảnh 1.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: VGP/TL

Phát triển đúng hướng

Thời điểm mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), thành phố Hà Nội mới chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị và 355 chợ (trong đó, hầu hết các chợ đều đã bị xuống cấp). Đến giai đoạn 2016-2020, quy mô, hoạt động thương mại đã có những bước phát triển mạnh, giúp Hà Nội trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư trong khu vực cũng như trên thế giới.

Hiện, trên địa bàn thành phố có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 455 chợ… Điều đáng nói, nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại như: AEON Mall Long Biên, AEON Mall Hà Đông, Vincom Mega Mall, Lotte, hay chuỗi siêu thị Big C, BRG/Hapro mart, Co.opmart… đã hình thành.

Hàng hóa được bày bán phong phú, đa dạng, có chất lượng, trong đó hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam được ưu tiên theo đúng tinh thần cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng cũng đã quen thuộc với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới... như: Winmart, Co.op Food, Sói Biển, Bác Tôm hay các siêu thị điện máy như: Thế giới di động, Điện máy xanh, Media mart… Điều đó cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các hình thức bán lẻ hiện đại là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động thương mại trên địa bàn không chỉ góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, mà còn hỗ trợ bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Các doanh nghiệp bán lẻ như: Hapro, AEON Mall, Winmart, Co.opmart, Big C, Lotte… ngoài việc kinh doanh còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn.

Tiếp tục đà tăng trưởng

Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường Hà Nội đã có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Các hoạt động mua sắm sôi động trở lại khi hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị liên tục triển khai các chương trình khuyến mại lớn.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô trong 8 tháng năm 2022 ước đạt 451.300 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 288.800 tỷ đồng, tăng 18,4%. Đây là cơ sở để thương mại nội địa tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, giữ vững vai trò trụ cột của nền kinh tế.

Ngoài hệ thống thương mại, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều đề án, chương trình phát triển thương mại điện tử, máy bán hàng tự động, tổ chức kinh doanh thương mại tại phố đi bộ…; vận hành website http://bandomuasam.hanoi.gov.vn để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực... Có thể thấy, các loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại đang ngày càng được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng phát triển.

Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, Tập đoàn AEON xem thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Nhật Bản để phát triển hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của AEON là mở 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2030, tập trung tại các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể xây dựng được hệ thống thương mại hiện đại xứng tầm, bên cạnh việc lập quy hoạch phù hợp, khả thi và các chính sách hỗ trợ về tài chính, chính sách thuế, các giải pháp thu hút vốn đầu tư… của nhà nước thì yếu tố quyết định chính là sự thay đổi, phát triển của mỗi doanh nghiệp thương mại.

Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thương mại, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh cần chủ động kết nối với các doanh nghiệp khác, các vùng sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm để phục vụ tiêu dùng với chi phí khai thác thấp nhất, tạo ưu thế cạnh tranh về giá trên thị trường giữa các kênh truyền thống và hiện đại, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, áp dụng kỹ thuật quản lý kinh doanh hiện đại; phát triển các phương thức lưu thông hiện đại như phát triển theo dạng chuỗi, nhượng quyền kinh doanh, đại lý, vận tải liên, vận tải đa phương thức, thương mại điện tử…

Thùy Linh

Top