Phát triển Đảng trong học sinh THPT - lực lượng kế cận giàu tri thức, bản lĩnh
(Chinhphu.vn) - Vài năm gần đây, TP. Hà Nội rất chú trọng phát triển đảng trong học sinh THPT nhằm xây dựng lựng lượng kế cận giàu tri thức, bản lĩnh. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, kết nạp 200 đảng viên là học sinh THPT mỗi năm.
Năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 20-ĐA/TU, ngày 24/10 về "Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn mới". Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, kết nạp 200 đảng viên là học sinh THPT mỗi năm; Giai đoạn 2025-2030 mỗi năm kết nạp 300 đảng viên. Phấn đấu đến năm 2025, tuổi bình quân đảng viên mới kết nạp giảm 0,2 tuổi so với nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc, Hà Nội hiện có 281 trường THPT, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với tổng số trên 299.000 học sinh. Sau gần một năm thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU, có 25 đảng bộ đã tiến hành tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho gần 700 cảm tình Đảng là học sinh THPT.
Có 19 đảng bộ quận, huyện, thị xã đã kết nạp được 82 đảng viên là học sinh THPT. Đảng viên mới được kết nạp thực sự là những học sinh xuất sắc tiêu biểu, nổi trội trong học tập và phong trào đoàn thanh niên.
Đảng viên mới được kết nạp thực sự là những học sinh xuất sắc tiêu biểu, nổi trội trong học tập và phong trào đoàn thanh niên, là tấm gương cho các học sinh THPT khác noi theo. Việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên được các cấp ủy đảng tổ chức trang trọng, nghiêm túc theo đúng quy định...
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định, công tác phát triển Đảng trong học sinh THPT đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo. Đặc biệt, những đảng viên trẻ vừa được kết nạp trong các nhà trường là tấm gương, hình mẫu để các học sinh ưu tú học tập, noi theo, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của đảng.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đề án 20-ĐA/TU mới triển khai được một năm nhưng Thành ủy Hà Nội đã bước đầu đánh giá bước đầu để các đơn vị, nhà trường triển khai kế hoạch dài hơi hơn trong năm học tới.
Chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng của các Chi bộ nhà trường
Đến hết tháng 7/2023, Đảng bộ quận Thanh Xuân đã hoàn thành 150% chỉ tiêu năm 2023 về kết nạp đảng viên là học sinh THPT. Đề án số 20-ĐA/TU là làm chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng của các Chi bộ nhà trường, tiêu biểu là trong năm học 2022 - 2023 đã cử nhiều quần chúng là học sinh tham gia lớp nhận thức về Đảng.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai chia sẻ, ở thời điểm gần 1 năm thực hiện Đề án 20, đến nay, Đảng bộ quận Thanh Xuân đã có 6 học sinh THPT ưu tú được kết nạp Đảng, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ. Đây đều là những học sinh giỏi, có thành tích học tập nổi bật, có nhiều đóng góp cho phong trào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các hoạt động trong nhà trường…
Từ nay đến năm 2025, Đảng bộ quận Thanh Xuân phấn đấu mỗi năm kết nạp 4 đảng viên là học sinh THPT. Các nhà trường đã chủ động phát hiện, đào tạo bồi dưỡng, giúp các em tu dưỡng, phấn đấu học tập, rèn luyện để giới thiệu xem xét kết nạp Đảng.
Còn theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường, quận đã thông tin cho BCH Đoàn các trường THPT để lựa chọn bồi dưỡng ngay từ đầu cấp bằng việc lựa chọn các em tham gia làm Bí thư Chi đoàn, lớp trưởng, câu lạc bộ hội nhóm của thanh niên. Chính vì vậy các đảng viên THPT của quận Hà Đông được kết nạp đảng hiện nay đều là Bí thư Chi đoàn, lớp trưởng, lớp phó hoặc trưởng, phó các câu lạc bộ.
Đến hết tháng 8/2023, Đảng bộ Quận Hà Đông đã kết nạp được 189 đảng viên (đạt 72,6% chỉ tiêu Ban Tổ chức Thành ủy giao). Trong đó tỷ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp vào đảng chiếm tỷ lệ 64% và học sinh THPT là 16 em (chiếm tỷ lệ 8,4%).
Sau khi triển khai Đề án, đến tháng 5/2023, quận Hoàn Kiếm đã có 2 học sinh THPT đầu tiên của quận Hoàn Kiếm được kết nạp Đảng. Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức Nguyễn Bội Quỳnh cho biết, Đảng ủy trường THPT Việt Đức đã triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên. Những học sinh được kết nạp Đảng đều là những học sinh giỏi, có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, học tập, tích cực trong công tác Đoàn.
Tiếp sau đó, tháng 6/2023, Đảng bộ Trường THPT Trần Phú, Q.Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã tổ chức kết nạp đảng viên cho hai học sinh lớp 12 của trường. Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm, Đề án số 20-ĐA/TW của Thành ủy đã được quận triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả, trong đó Đảng bộ Trường THPT Trần Phú là đảng bộ trường học thứ hai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 20 của Thành ủy.
Tránh "bệnh hình thức" trong tạo nguồn và phát triển Đảng ở học sinh
Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho biết, quận đã hướng dẫn, đôn đốc chi bộ các trường lựa chọn, thẩm tra lý lịch, hoàn thiện hồ sơ đề nghị kết nạp để gửi lên Ban Tổ chức Quận ủy thẩm định, tham mưu trình Ban Thường vụ Quận ủy xem xét, quyết định.
Đảng bộ quận Hai Bà Trưng đã có 7 học sinh được kết nạp vào Đảng, là học sinh tại các Trường THPT Thăng Long, THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng và THPT Trần Nhân Tông. Quận ủy luôn xác định kết nạp đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục trong công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, việc kết nạp đảng viên đối với học sinh tại các trường THPT trên địa bàn quận không chỉ góp phần tăng số lượng đảng viên trẻ, đảm bảo sự kế thừa và phát triển liên tục, mà còn tạo môi trường thi đua, động lực cho học sinh phấn đấu, trưởng thành.
Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho rằng, để phát triển đảng trong các trường THPT tốt hơn thì bản thân các trường phải chủ động trong công tác này, đồng thời phải xác định không chạy theo thành tích, số lượng. Kinh nghiệm của quận Hoàng Mai là đưa chỉ tiêu kết nạp đảng vào chỉ tiêu thi đua của các trường.
Tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo Đề án số 20-ĐA/TW của Thành ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã đề nghị các nhà trường cần tạo điều kiện hơn nữa cho các em học sinh phát huy năng lực, sở trường của mình; nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho các học sinh có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các học sinh sinh hoạt ghép trong quá trình chuyển tiếp vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT…
Nhận định về bước đầu triển khai Đề án, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác phát triển đảng trong học sinh THPT đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong triển khai tổ chức thực hiện Đề án. Để tiếp tục triển khai hiệu quả, các nhà trường, đơn vị cần chủ động, sáng tạo trong cách triển khai thực hiện, đặc biệt là việc lựa chọn những học sinh xứng đáng để tạo nguồn và phát triển Đảng; tránh "bệnh hình thức" khi chỉ lựa chọn những học sinh phải có giải quốc tế, quốc gia.
Đồng thời, chú trọng đào tạo học sinh THPT phát triển một cách toàn diện, không chỉ chú trọng vào việc dạy những kiến thức trên lớp, cần quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức – trách nhiệm của công dân. Qua đó, các nhà trường có thể phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn học sinh ưu tú giới thiệu cho Đảng và kết nạp Đảng.
Cùng với đó là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành làm cho đảng viên mới kết nạp, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản trong xây dựng Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, tính tiên phong gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng.
Gia Huy