Phát triển du lịch nông nghiệp để thu hút khách đến với Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Mặc dù đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mang tính bài bản, chuyên nghiệp cần thời gian dài, song ngành Du lịch, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng như các huyện ngoại thành đang từng bước triển khai, nhằm thúc đẩy loại hình này phát triển.
Tiềm năng du lịch được đánh thức
Vùng ngoại thành Hà Nội với diện tích rộng lớn, nhiều di sản vật thể, phi vật thể và cảnh quan tươi đẹp nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Huyện Thanh Trì cách không xa trung tâm Hà Nội được biết đến với nhiều khu du lịch sinh thái như: Vạn An – Hải Đăng, Vườn Chim Việt, Đầm Tròn, khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An... Thanh Trì cũng là địa phương có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, với 154 di tích lịch sử văn hóa, 45 lễ hội truyền thống, 8 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Với tiềm năng du lịch như vậy, nơi đây thu hút rất đông học sinh các trường học và các gia đình trên địa bàn Hà Nội đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống vùng nông thôn.
Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì Triệu Quang Xuyên cho biết, du lịch nông nghiệp nông thôn mang đến cơ hội khám phá văn hóa độc đáo của vùng quê với hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương.
Thời gian tới, huyện Thanh Trì phối hợp với ngành Du lịch Hà Nội xây dựng tuyến du lịch di sản, làng nghề, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn kết nối từ trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; phối hợp thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện nhằm thu hút hơn nữa du khách đến với huyện.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê. Nhiều điểm đến khu vực ngoại thành cũng đang là tâm điểm của du lịch nông thôn, khi thu hút không nhỏ lượng khách đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng, khám phá cảnh quan, văn hóa, nếp sinh hoạt, ẩm thực của cộng đồng nông thôn.
Tham gia vào các hoạt động nông nghiệp trực tiếp, du khách có thể trực tiếp có những hoạt động trải nghiệm như trồng cây, chăm sóc động vật, tham gia các công việc hàng ngày của người nông dân. Điều này giúp du khách hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất nông nghiệp và trải nghiệm cuộc sống nông thôn đích thực. Với các món ăn bản địa được chế biến từ nông sản tươi ngon nấu theo phương pháp truyền thống, du khách có những trải nghiệm ẩm thực độc đáo, là cơ hội để khám phá hương vị vùng quê đặc trưng.
Dù vậy, hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội chủ yếu vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.
Đây là những vấn đề cần tháo gỡ khi thành phố đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển
UBND Thành phố Hà Nội đã Kế hoạch 73/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025. Đây là kế hoạch có nhiều ý nghĩa khi cùng lúc phát triển du lịch nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Xác định du lịch ngoại thành là trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đào tạo nguồn nhân lực hàng năm và tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân tại các quận huyện phát triển loại hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn. Ngành du lịch cũng phối hợp với các huyện ngoại thành hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí... theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch Thủ đô đang tập trung phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn gắn với từng loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng và thân thiện với môi trường cùng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn, mang đặc trưng văn hóa Hà Nội, có thương hiệu và sức cạnh tranh nhằm cung cấp các dịch vụ trải nghiệm chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các huyện ngoại thành triển khai nhiều hội nghị về ứng xử văn minh du lịch, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng cho dân cư, nhằm tuyên truyền về lợi ích du lịch đem lại, trao đổi về xây dựng sản phẩm, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm du lịch trên địa bàn huyện với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, làng nghề truyền thống, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn mới.
Trên góc độ là cơ quan quản lý tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện Sóc Sơn đang tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả du lịch, trong đó phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Dù lượng khách đến với Sóc Sơn khá đông tuy nhiên việc đầu tư du lịch nông nghiệp, nông thôn bài bản cũng đang được huyện triển khai.
Du lịch nông nghiệp nông thôn mang đến một loại hình du lịch độc đáo và hấp dẫn, cho phép du khách trải nghiệm cuộc sống nông thôn, khám phá vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa của vùng quê. Đồng thời, nó còn đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn môi trường và di sản văn hóa, cũng như tạo ra những trải nghiệm du lịch đa dạng. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển ngành du lịch, thu hút ngày càng nhiều hơn khách đến với địa phương.
Minh Anh