Phát triển hệ thống cây xanh, cảnh quan đô thị để bảo vệ môi trường

21/02/2024 4:37 PM

(Chinhphu.vn) - Các địa phương của Hà Nội đang duy trì hiệu quả phong trào “Tết trồng cây”, trồng và chăm sóc rừng, mang lại giá trị thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Quận Đống Đa có hơn 25.700 cây bóng mát

Năm 2024, quận Đống Đa tiếp tục thực hiện cải tạo chỉnh trang 5 công viên, vườn hoa trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển hệ thống cây xanh, cảnh quan đô thị, xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công cộng.

Phát triển hệ thống cây xanh, cảnh quan đô thị để bảo vệ môi trường- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải và lãnh đạo quận Đống Đa thực hiện trồng cây nhân lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, Đống Đa là một quận nội thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quỹ đất hạn chế nên việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh gặp không ít khó khăn. Thực hiện lời dạy của Bác "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"; hưởng ứng phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch UBND thành phố phát động, quận Đống Đa luôn xác định việc trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của quận và việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về việc "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".

Đến nay, quận đã thực hiện cải tạo, chỉnh trang đồng bộ hạ tầng 11 tuyến phố. Riêng năm 2023, quận đã hoàn thành công tác chỉnh trang 4 tuyến phố: Giảng Võ, Hào Nam - Hoàng Cầu, Yên Lãng, Xã Đàn - Ô Chợ Dừa. Cây xanh trên các tuyến phố trên được ưu tiên trồng mới, và được cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận.

Hiện toàn quận Đống Đa có hơn 25.700 cây bóng mát, 15.000 cây hoa, cây bụi, 27.000m2 thảm cỏ các loại. Các cây mới trồng đều phát triển và sinh trưởng tốt, cảnh quan đô thị trên địa bàn quận ngày càng xanh, đẹp và đồng bộ hơn từ đường, phố, đến các ngõ, ven các hồ, các khu vực công cộng khác.

Quận Hai Bà Trưng trồng cây xanh tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô

Nhân dịp các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn, UBND quận Hai Bà Trưng đã tổ chức trồng cây xanh đợt 1 theo định hướng quy hoạch tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống cây xanh, tạo môi trường không khí trong lành, góp phần xây dựng không gian văn hóa - giải trí, thể dục thể thao trong công viên để người dân thụ hưởng.

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, nhiều dự án mới đã được đầu tư, nhiều khu đô thị, khu phố mới được hình thành. Cùng với đó là những trụ sở cơ quan hành chính, vườn hoa, khu phố, trường học được trồng mới, trồng bổ sung nhiều cây xanh, độ che phủ cây xanh đã tăng lên rõ rệt, đồng nghĩa với việc lá phổi xanh của quận, của Thủ đô đang phát triển từng ngày.

Năm 2024, quận được thành phố giao quản lý Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Công viên Thống Nhất, các vườn hoa, hồ nước… để thực hiện các công việc quản lý, duy tu, duy trì, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạng mục quản lý, duy tu, duy trì, đầu tư cây xanh.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng, mục tiêu quận đặt ra trong giai đoạn 1 là sẽ trồng mới 500 cây xanh các loại trên toàn quận. 18/18 phường sẽ đồng loạt triển khai các hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn.

Quận Ba Đình đạt 216% chỉ tiêu về trồng mới cây xanh

Thời gian qua, phong trào "Tết trồng cây" gắn với việc "Chăm sóc và bảo vệ cây xanh" luôn được quận Ba Đình triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, quận đang chăm sóc hơn 50.000 cây xanh. Trong đó, riêng năm 2023, toàn quận tập trung rà soát số lượng cây trồng mới, trồng bổ sung, thay thế để kịp thời tăng độ che phủ cây xanh, đến nay đã đạt và vượt 216% chỉ tiêu về trồng mới cây xanh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng thời, Quận ủy - UBND quận chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều thức, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" và mục tiêu 200-250 nghìn cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị trong của thành phố.

Huyện Mê Linh phấn đấu trồng mới 26.000 cây xanh

Đối với huyện Mê Linh, việc trồng, chăm sóc giữ gìn để cây phát triển tốt được thực hiện thường xuyên, nhất là khi mùa xuân đến, huyện Mê Linh phát động mạnh mẽ phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".

UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học; các xã, thị trấn... tổ chức trồng mới cây xanh: Vận động cán bộ, nhân dân tích cực tham gia trồng cây nơi công sở, các di tích lịch sử, các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng và ngay tại vườn nhà.

Triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh cũng đã trồng mới nhiều cây xanh, nhiều "tuyến đường nở hoa" và phong trào này được người dân hưởng ứng, tham gia duy trì chăm sóc cây, hoa đều đặn hằng tuần, hằng tháng.

Hằng năm, sau mỗi đợt phát động Tết trồng cây, đã có hàng ngàn cây xanh, cây hoa, hình thành nhiều tuyến đường hoa được trồng mới, qua đó góp phần cải thiện môi trường xanh, đẹp trên địa bàn huyện.

Để phát huy hiệu quả của Tết trồng cây, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn đề nghị, các đơn vị thực hiện tốt Kế hoạch của UBND thành phố, của UBND huyện về triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Trồng và quản lý cây xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo" nhằm hoàn thành chỉ tiêu Đề án đề ra năm 2024 về số lượng và chủng loại cây, phấn đấu trồng mới khoảng 26.000 cây xanh.

UBND các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị cần tích cực chủ động đề ra chỉ tiêu cụ thể về số lượng cây trồng tại đơn vị. Chuẩn bị tốt cây giống, lựa chọn các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng; tổ chức Tết trồng cây ở đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, đảm bảo trồng cây nào sống tốt cây đó.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cũng yêu cầu cùng với việc trồng cây lấy bóng mát, cần trồng thêm những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đối với các dự án, các khu đô thị, cần thực hiện đúng quy hoạch về hệ thống cây xanh, tỷ lệ cây xanh trong các công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng công viên xanh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển huyện Mê Linh theo hướng bền vững, bảo đảm không gian sống xanh - sạch - đẹp.

Thùy Chi

Top