Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị Hà Nội đồng bộ, hiện đại
(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm thành phố “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, cần phải quản lý, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo xu hướng phát triển chung của các đô thị hiện đại, quy mô lớn, góp phần giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông.
Quyết tâm phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị Thủ đô
Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tham gia tích cực, nghiêm túc trong việc xây dựng quy hoạch cùng với điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây chính là cơ hội để Hà Nội nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn qua, từ thực tiễn và lý luận để hoạch định và định hướng phát triển Quy hoạch thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô xứng tầm vị trí, vai trò trung tâm đầu não của cả nước.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội sẽ đi sâu phân tích thực trạng và giải pháp công tác quản lý và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố Hà Nội nhằm phát huy có hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lập và trình Thủ tướng phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Cấp nước, thoát nước đô thị, chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh và tiếp nhận quản lý duy tu, duy trì sau đầu tư đối với hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian qua Sở Xây dựng đã tham mưu với UBND thành phố Hà Nội ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND thành phố trong công tác quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp triển khai các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, như Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, ngày 19-9-2016; Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND, ngày 16-9-2021; Quyết định số 49/2022/QĐ-UBND, ngày 30-12-2022.
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, các dự án đầu tư phát triển đô thị trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án phát triển đô thị tập trung chủ yếu tại khu vực đô thị trung tâm và tập trung vào các dự án phát triển đô thị mới, chủ yếu là các khu vực phát triển nhà ở, trung tâm thương mại.
Thực trạng quản lý vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị
Hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật do ngân sách thành phố bảo đảm từ nguồn chi thường xuyên (đường giao thông, đèn tín hiệu giao thông, chiếu sáng công cộng, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, vườn hoa, công viên) được thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, ngày 10-4-2019, của Chính phủ và Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND, ngày 30-11-2020, của UBND thành phố Hà Nội, về việc ban hành quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của thành phố.
Tính đến ngày 1-4-2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã chính thức hoàn thành việc bàn giao quản lý theo phân cấp các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, chiếu sáng, thoát nước) cho ủy ban nhân dân 30 quận, huyện và thị xã Sơn Tây. Số lượng hợp đồng phụ đã ký giữa Sở Xây dựng (đại diện là Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội) và UBND cấp huyện (đại diện là các ban quản lý dự án, phòng quản lý đô thị, trung tâm phát triển quỹ đất) và các nhà thầu thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, cây xanh, chiếu sáng là 79 hợp đồng, tương ứng với các lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, chiếu sáng, thoát nước).
Đối với hệ thống chiếu sáng, các đơn vị được giao quản lý, duy tu, bảo trì: Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội và các đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì được lựa chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, bao gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chiếu sáng và thiết bị đô thị (chiếm khoảng 87,2% khối lượng quản lý tính theo trạm đèn điều khiển chiếu sáng, tập trung tại 12 quận nội thành và một số huyện ngoại thành), các đơn vị còn lại (chiếm khoảng 12,8% khối lượng quản lý tính theo trạm đèn điều khiển, quản lý hệ thống chiếu sáng tại các huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây). Đối với hệ thống cây xanh, theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND, ngày 12-9-2022, của HĐND thành phố Hà Nội, thì cấp thành phố quản lý sau đầu tư các công viên đặc biệt quan trọng; UBND cấp huyện quản lý các công viên còn lại. Hiện tại, cấp thành phố (đại diện là Sở Xây dựng) quản lý 5 công viên đặc biệt quan trọng, bao gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình, Lê-nin. UBND các quận, huyện quản lý các công viên, vườn hoa còn lại (chưa kể các vườn hoa nhỏ trên địa bàn phường, xã do quận, huyện quản lý).
Các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu là những công trình phục vụ công ích, đã hình thành từ lâu, trải qua nhiều thời kỳ phát triển, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội thành cũ, với kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.
Đối với hệ thống thoát nước, việc quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND, ngày 12-9-2022, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Công tác duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố được thực hiện theo hình thức đấu thầu.
Đối với hệ thống cấp nước. Tính đến ngày 31-12-2022, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 1.530.000m3/ngđ; trong đó, nguồn nước ngầm là khoảng 735.000m3/ngđ, nguồn nước mặt là khoảng 795.000m3/ngđ. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm từ 300 đến 1.000m3/ngđ.
Các đơn vị sản xuất nước sạch (bán buôn), cung cấp nước sạch (bán lẻ) trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm nhiều loại hình quản lý khác nhau: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, các công ty cổ phần không có vốn góp của nhà nước; đối với khu vực nông thôn còn có loại hình do ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã quản lý.
Hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đã từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Hạ tầng kỹ thuật mạng lưới cấp nước từng bước được cải tạo, phát triển theo quy hoạch. Tỉ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn thành phố giảm xuống khoảng 15%...
Những khó khăn trong công tác quản lý hạ tầng giao thông đô thị
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Sở Xây dựng cho biết công tác quản lý hạ tầng giao thông đô thị vẫn còn một số hạn chế.
Về lĩnh vực cấp nước, việc đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng như đường giao thông, điện, thoát nước không được đồng bộ, dẫn đến việc đề xuất, triển khai đầu tư các tuyến ống cấp nước truyền tải chính chưa bảo đảm (do tuyến ống cấp nước phải bố trí theo đường quy hoạch nhưng hiện nay đường quy hoạch chưa được đầu tư).
Hệ thống mạng truyền dẫn chưa hoàn thiện theo quy hoạch, do đó việc điều tiết nguồn cấp giữa các vùng còn hạn chế.
Về lĩnh vực thoát nước, các dự án thoát nước và xử lý nước thải cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, việc đầu tư xã hội hóa không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia. Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải hiện nay chủ yếu thực hiện qua các dự án vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản (Dự án thoát nước Hà Nội, giai đoạn 1 và giai đoạn 2; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá). Do vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chủ yếu sử dụng từ nguồn ngân sách, với nguồn kinh phí đầu tư lớn, gây áp lực cho ngân sách địa phương...
Về lĩnh vực cây xanh, hiện nay, các quy định của pháp luật không có loại hình "Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, và hồ", do đó, dự kiến sẽ lồng ghép các định hướng chính về quy hoạch cây xanh tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND vào nội dung điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có liên quan.
Công tác đầu tư hệ thống công viên, vườn hoa theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng tại một số khu vực nên vẫn còn thiếu; công tác kêu gọi đầu tư chưa hiệu quả, thiếu nguồn vốn đầu tư.
Về lĩnh vực chiếu sáng, do ngân sách thành phố hạn hẹp, quá trình thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được nêu tại Kế hoạch số 180/KH-UBND, ngày 11-12-2013, của UBND thành phố Hà Nội đã và đang gặp khó khăn về bố trí, sắp xếp nguồn vốn. Công tác đầu tư, phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị, kể cả thay thế đèn LED theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa có giải pháp phù hợp; công tác hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực còn hạn chế nguồn lực để thực hiện.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Đề xuất một số các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đại diện Sở Xây dựng cho biết, đối với lĩnh vực cấp nước, Sở Xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Cấp, thoát nước để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sự không đồng bộ giữa Luật Đầu tư và quy định của pháp luật chuyên ngành.
Rà soát, sửa đổi các nội dung liên quan đến việc triển khai quy hoạch cấp nước chuyên ngành: Việc đầu tư các tuyến ống phân phối dịch vụ cấp nước (DN300 - DN400) nên thực hiện theo quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng và nhu cầu thực tế về sử dụng nước sạch của khu vực theo giai đoạn đầu tư. Việc đầu tư các tuyến ống hạ tầng khung (DN600 trở lên) cũng cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp các công trình hạ tầng khác chưa được hình thành theo quy hoạch.
Về lĩnh vực thoát nước, trên cơ sở thực trạng nêu trên, nhằm tăng cường hiệu quả, nâng cao ý thức pháp luật trong công tác quản lý thoát nước và xử lý nước thải, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số nội dung quy định về công tác thoát nước và xử lý nước thải tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP, ngày 6-8-2014, của Chính phủ và kiến nghị với Chính phủ một số nội dung.
Cụ thể, về phê duyệt quy trình: Bổ sung quy định giao chủ sở hữu công trình là cơ quan phê duyệt quy trình công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên cơ sở các quy trình do đơn vị thoát nước xây dựng.
Về quy trình kiểm tra, giám sát: Bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành, duy tu, duy trì thoát nước và xử lý nước thải.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong việc bảo vệ hành lang hệ thống thoát nước: Bổ sung quy định cụ thể nhằm bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống công trình ngầm, nổi.
Đồng thời, kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa các dự án lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn trong nước và nước ngoài (ODA) để sớm hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo quy hoạch.
Về lĩnh vực công viên, cây xanh: Để tăng diện tích đất cây xanh, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi chung, đủ hấp dẫn để kêu gọi xã hội hóa đầu tư, quản lý vận hành công viên, vườn hoa, cây xanh phục vụ công ích, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố thực hiện, nhằm tăng diện tích cây xanh cho đô thị.
Về lĩnh vực chiếu sáng: Để thực hiện việc đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố cần quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện các công trình chiếu sáng theo phân cấp tại Kế hoạch số 72/KH-UBND, ngày 7-3-2023, của UBND thành phố Hà Nội.
Đối với công tác hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực: Kiến nghị giao UBND cấp huyện nghiên cứu, đề xuất cải tạo hè phố kết hợp với hạ ngầm các đường dây cáp, điện lực, viễn thông theo hình thức đầu tư công: đầu tư hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (tuynel, hào, cống, bể kỹ thuật) để lắp đặt các đường dây cáp cùng với cải tạo hè phố.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc hạ ngầm cáp điện lực trong trường hợp không nâng công suất có thể xem xét là công tác giải phóng mặt bằng và là cơ sở đề xuất thực hiện theo hình thức đầu tư công; trường hợp hạ ngầm cáp điện lực nhưng nâng công suất thuộc trách nhiệm đầu tư của ngành điện lực cho phần công suất nâng.
Thùy Chi