Phát triển không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ

25/11/2024 5:59 PM

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển không gian văn hóa sáng tạo mới gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Tây Hồ.

Phát triển không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ - Ảnh 1.

UBND quận Tây Hồ tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam nhằm thúc đẩy không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: VGP/ Minh Thúy

Thúc đẩy phát triển không gian văn hóa sáng tạo gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Tây Hồ được biết đến là vùng đất cổ phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nơi lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú với hệ thống 71 di tích, đặc biệt là hơn 20 di tích lịch sử xung quanh hồ Tây tạo nên một vùng trầm tích văn hóa mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến. Tây Hồ với 15 lễ hội đặc sắc và các làng nghề truyền thống: Hoa đào Nhật Tân, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng… cùng những không gian xanh: vườn hoa bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa hồ Tây, các đầm sen ven hồ Tây... đã trở thành điểm đến của đông đảo người dân và du khách.

Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của mình, Quận ủy Tây Hồ đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 09-NQ/TU bằng việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó, quan điểm xuyên suốt của quận là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ- du lịch, văn hóa của Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Tây Hồ.

Cụ thể hóa định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng một không gian văn hóa sáng tạo mà ở đó người dân là chủ thể sáng tạo, thụ hưởng, Quận ủy đã chỉ đạo UBND Quận tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phong phú.

14 đơn vị đã triển khai hiệu quả các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại không gian văn hóa sáng tạo. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ như: Chương trình Vũ điệu kết đoàn - Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 , Du lịch Hà Nội chào 2024 và Công bố khu du lịch Nhật Tân là khu du lịch cấp thành phố, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 gắn với giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc...

Xác định tiềm năng văn hóa lịch sử, cảnh quan Hồ Tây chính là tiềm năng to lớn để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, quận Tây Hồ đang tập trung nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch đến với Tây Hồ thời gian tới.

Với một hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đặc sắc và tiêu biểu, quận Tây Hồ tiếp tục đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của di sản, tạo điểm đến du lịch. 

Quận đầu tư xây dựng một số không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như: Không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sang tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...

Để các không gian văn hóa hoạt động thật sự hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa, cần tuyên truyền sâu rộng để toàn xã hội nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, từ đó thấy được sự cần thiết của các không gian sáng tạo văn hóa. Việc nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của không gian văn hóa sẽ tạo điều kiện cũng như cơ hội cho các không gian văn hóa phát triển, thu hút đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nghiệp cùng người dân tham gia giữ gìn, sáng tạo, lan tỏa, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa.

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ đã tăng cường truyền thông quảng bá các sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hoá của Tây Hồ thông qua các kênh truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội. Đồng thời, đầu tư, triển khai số hoá dữ liệu di sản, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truyền thông quảng bá văn hoá, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hoá và xu hướng du lịch thông minh trong giai đoạn hiện nay.

Định hướng phát triển không gian văn hóa sáng tạo thúc đẩy kinh tế-xã hội 

Quận Tây Hồ đang triển khai xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây và vùng phụ cận, theo đó sẽ nghiên cứu xây dựng các đề án nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng các di sản văn hóa phi vật thể của quận Tây Hồ gắn với xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quận để phát triển kinh tế - xã hội.

Quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tổ chức tốt các sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, chuỗi các hoạt động văn hóa liên quan: triển lãm nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật đến các hoạt động trải nghiệm văn hoá được tổ chức tại các không gian văn hóa, phố đi bộ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ đã tổ chức các tour du lịch văn hoá đặc biệt, tập trung vào việc khám phá truyền thống văn hóa lịch sử và tham gia vào lễ hội địa phương. Tour du lịch văn hoá không chỉ mang lại một trải nghiệm độc đáo cho du khách, mà còn gắn kết các địa danh, di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch xung quanh Hồ Tây để hình thành những tuyến du lịch hoàn chỉnh, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch đêm,du lịch thể thao... nhằm quảng bá, thu hút hấp dẫn khách du lịch.

Việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách. Đó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng hình ảnh quận Tây Hồ đẹp hơn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, dựa trên truyền thống văn hoá lịch sử và lễ hội của quận Tây Hồ để phát triển công nghiệp văn hoá, thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo ra môi trường văn hoá sáng tạo phong phú.

Minh Thúy

Top