Phát triển mới mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Với định hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm sẽ hình thành và phát triển mới ít nhất 10-20 mô hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản…

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Như việc chuyển đổi các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái kết hợp hoạt động du lịch trải nghiệm đang được các huyện ven đô tập trung phát triển.
Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho hay: Dù diện tích nông nghiệp bị thu hẹp nhưng nhờ phát triển các hoạt động nông nghiệp du lịch sinh thái đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Ngoài ra, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, trên diện tích gần 3 ha, ông Nguyễn Mạnh Hải, thôn Yên Thịnh, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gần 3 vạn con gà chọi từ nguồn con giống của Công ty chăn nuôi Japfa. Chăn nuôi số lượng lớn, ông Hải đã áp dụng mô hình chăn nuôi đệm lót sinh học không gây mùi, thân thiện với môi trường. Sau mỗi vụ chăn nuôi, lượng phân bón sẽ được thu gom và dùng bón cho cây trồng.
Hiện ngoài việc chăn nuôi, trang trại của ông Hải cũng đang cải tạo, trồng nhiều cây xanh để khai thác du lịch sinh thái trải nghiệm.
Để phát triển ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, đối với lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, Hà Nội sẽ phát triển các mô hình chuyển giao công nghệ cao, công nghệ số trong chọn tạo, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao, giống chống chịu sâu bệnh tốt, các giống cây thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của Thành phố và các tỉnh bạn có nhu cầu. Đồng thời phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông minh trong canh tác, thu hoạch và sơ chế sản phẩm trồng trọt.
Trong lĩnh vực nuôi xây dựng hình thành, phát triển các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất và quản lý giống vật nuôi như: Công nghệ tế bào động vật trong chọn lọc giống vật nuôi (sản xuất tinh đông lạnh, tinh phân ly giới tính để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thịt; thụ tinh nhân tạo để chọn lọc, nuôi giữ gà Mía làm đàn hạt nhân...); nhập ngoại con giống chất lượng cao để phát triển đàn vật nuôi.
Đồng thời, phát triển các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong chăm sóc, nuôi dưỡng, xử lý môi trường, quản lý dịch bệnh và thức ăn chăn nuôi (đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại cho chuồng trại; ứng dụng công nghệ eGAP, công nghệ IoT và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) trong chăn nuôi; ứng dụng công nghệ vi sinh thế hệ mới để thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi...).

Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Trong lĩnh vực thuỷ sản, Hà Nội xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng đồng bộ công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tập trung ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo, nhân giống thủy sản bằng công nghệ nano, công nghệ cấp oxy tự động, công nghệ cảnh báo môi trường và cho ăn tự động...; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản thương phẩm (công nghệ eGAP; trang thiết bị, máy móc, hệ thống tự động; hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước thông minh kết hợp với năng lượng mặt trời; sử dụng các chế phẩm vi sinh...).
Đối với lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thuỷ sản, Thành phố phát triển các cơ sở ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chế biến và bảo quản nông, lâm sản và thủy sản.
Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý các chuỗi nông, lâm, thủy sản (công nghệ chuỗi khối - blockchain) nhằm theo dõi luồng di chuyển của sản phẩm, minh bạch toàn bộ các công đoạn từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thực phẩm Hà Nội" (check.hanoi.gov.vn); duy trì, phát triển các chuỗi liên kết thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vật tư nông nghiệp hình thành, phát triển các cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ ứng dụng cao, công nghệ số trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, Thành phố sẽ tập trung thực hiện các ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ eGAP, viễn thám, công nghệ hàng không trong quản lý các vùng sản xuất trồng trọt và vùng nuôi trồng thủy sản. Ứng dụng công nghệ sinh học để giám định các bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Từng bước thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ chuỗi khối, công nghệ điện toán đám mây trong công tác quản lý sản xuất, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng hệ thống cảnh báo dự báo các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa người và động vật, cách phòng và điều trị bệnh mới phát sinh. Ứng dụng công nghệ địa tin học để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực hệ thống dịch vụ khoa học kỹ thuật và cung ứng vật tư phục vụ cho sản xuất.
Thiện Tâm