Phát triển nghề mây tre đan gắn với thương hiệu OCOP

10/08/2022 8:34 AM

(Chinhphu.vn) - Với thế mạnh có số lượng làng nghề và làng có nghề dẫn đầu thành phố, đặc biệt là nghề mây, tre, giang… nên đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện Chương Mỹ phát triển nghề gắn với thực hiện chương trình OCOP- Mỗi xã một sản phẩm.

Phát triển nghề mây tre đan gắn với thương hiệu OCOP - Ảnh 1.

Lưu giữ, bảo tồn và phát triển, truyền nghề mây tre đan tại xã Phú Vinh luôn được các nghệ nhân quan tâm, chỉ bảo cho các thế hệ sau. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Hội trưởng Hội doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung cho biết, mây tre đan là nghề thủ công truyền thống với lịch sử hơn 4.000 năm tồn tại và phát triển, sản phẩm mây tre đan gắn liền với đời sống cộng đồng của người Việt Nam và những hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Trước đây, nghề mây tre đan ở Việt Nam được hình thành và phát triển như một nghề thứ hai sau canh tác ngoài đồng ruộng ở nhiều vùng nông thôn. Nghề này vừa có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, vừa có lực lượng lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nghề mây tre đan cần ít vốn, xoay vòng vốn nhanh, giải quyết nhiều việc làm và thường được thực hiện trong các gia đình nông dân trong lúc nông nhàn để tạo ra các đồ dùng phục vụ sinh hoạt và sản xuất như: Quang gánh, thúng, gầu tát nước, nong, nia, dần, sàng... đến nhiều vật dụng khác như: Mâm, khay, đũa, đĩa, lọ hoa, lẵng hoa, chõng tre, gối, mảnh, quạt nan và nhạc cụ... Nhiều làng nghề mây tre đan truyền thống như Phú Nghĩa, Ninh Sở, Phú Túc... đã làm rạng danh nghề đan lát Việt Nam trên thị trường thế giới.

Huyện Chương Mỹ có 142 đơn vị tổ hợp, Hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân và các công ty trách nhiệm hữu hạn vừa và nhỏ nằm trên 32 xã, thị trấn chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm mây tre lá cỏ. Tính bình quân doanh thu trong giai đoạn 2015-2020 đạt doanh số 125 tỷ/năm. Đặc biệt năm 2009 đạt doanh thu 350 tỷ.

Tại Chương Mỹ, nghề mây tre giang đan phát triển mạnh nhất là xã Phú Nghĩa. Hiện xã có 90% số hộ làm nghề mây tre đan với hàng trăm tổ hợp, cơ sở sản xuất, công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan. Ngoài Phú Nghĩa, huyện còn một số xã như: Trung Hòa, Đông Phương Yên, Trường Yên, Đông Sơn… cũng có nghề mây tre giang đan phát triển.

Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, với tiềm năng, thế mạnh phát triển nghề mây tre giang đan, Chương Mỹ có điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình OCOP. Vì vậy, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề đã không ngừng sáng tạo mẫu mã sản phẩm OCOP từ mây tre giang để tạo ra các sản phẩm thủ công đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Hiện tại, sản phẩm OCOP mây tre đan Phú Vinh đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được yêu thích, đánh giá cao. Trong đó có nhiều sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao như: Bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, khay để hoa quả...

Việc các hộ sản xuất tham gia vào chương trình OCOP không những góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề mà còn đẩy mạnh tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.

Theo UBND huyện Chương Mỹ, để thúc đẩy chương trình OCOP trên địa bàn, thời gian qua huyện Chương Mỹ đã triển khai chương trình sản phẩm OCOP tại các làng nghề mây tre đan xã Phú Nghĩa. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia các lớp tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP; thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và chương trình OCOP.

Phát triển nghề mây tre đan gắn với thương hiệu OCOP - Ảnh 2.

Các nguyên liệu từ chuối, mướp... được dùng để thay thế cho nguồn nguyên liệu mây tre đan đang thiếu hụt. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Sáng tạo từ nguồn nguyên liệu thay thế 

Chia sẻ thêm về nghề mây tre đan, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cho biết, mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề, nhưng nghề mây tre đan hiện gặp nhiều khó khăn về vấn đề nguyên liệu. Nguyên liệu chính làm sản phẩm mây tre đan là từ cây mây trắng, có độ dẻo, bền và tính thẩm mỹ cao. Những sản phẩm mây tre đan dùng trong gia đình hay các nơi công cộng có ưu điểm mà các sản phẩm gỗ quý không có được đó là tính nhẹ nhưng khi di dời, vẻ thanh thoát phù hợp với nét thẩm mỹ, sắc màu tươi mát và phù hợp với mọi không gian và môi trường sinh hoạt của con người. 

Sản phẩm mây tre đan còn rất gần với thiên nhiên, dễ dàng bố trí thích hợp với mọi kiến trúc hay trang trí nội thất. Tại nhiều nơi, mây tre song, giang đan còn được sử dụng để chế tác thành các đồ gia dụng có giá trị cao như bàn, ghế, salon, giường, tủ, kệ, tranh ảnh...Vì vậy, các sản phẩm mây tre giang đan không những được ưa dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường của hơn 100 quốc gia trên giới (các nước EU, Mỹ, Nhật Bản và thị trường các nước khác như Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Đan Mạch...).

Nguồn cung nguyên liệu mây, tre, song giang được xuất phát từ những điạ bàn có rừng ở miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên,...); miền Trung, Tây Nguyên… Bên cạnh đó còn có nguồn cung cấp nguyên liệu bổ sung cho sự thiếu hụt của nguyên liệu trong nước, chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu về nguyên liệu, chủ yếu là các nguyên liệu như mây, song, giang,... để làm các sản phẩm mây tre đan cao cấp. Nguyên liệu được nhập khẩu từ Lào, Camphuchia, Indonesia, sau đó tập kết hàng tại kho bãi của các công ty, rồi vận chuyển về các làng nghề có sử dụng mây tre đan.

Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế để trồng và phát triển tre nứa, luồng, song mây nhưng hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhóm nguyên liệu này cho sản xuất chế biến từ một số nước trong khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, hằng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 900 triệu cây tre, nứa cho các mục đích khác nhau. Việt Nam hiện có xấp xỉ 1,5 triệu ha tre, nứa với trữ lượng ước tính khoảng 6 tỷ cây. Tuy vậy, phần lớn diện tích tre, nứa này là rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh cần phải bảo tồn, không được khai thác. Diện tích tre trồng sản xuất cả nước hiện có khoảng 85.000 ha, trữ lượng 350 triệu cây, mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất hàng mây tre đan.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ, ước tính sản lượng tiêu thụ hằng năm của các đơn vị sản xuất: Mây 600 tấn; song 700 tấn; tre-nứa-giang 500.000 cây; trúc 100.000 cây; cỏ tế 500 tấn... Tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu ngày càng thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giá bán không tăng dẫn đến thu nhập từ ngành nghề của người sản xuất giảm. Do vậy, việc triển khai sản xuất hàng mây tre giang đan gặp rất nhiều khó khăn.

Trước sự thiếu hụt về nguồn nguyên liệu mây, tre, song, nứa hiện nay, để tìm kiếm các nguồn nguyên liệu khác để thay thế, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Hội doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ đang hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, chế biến, xử lý nguyên liệu từ các loại cây đu đủ, mướp, chuối... 

Bên cạnh đó, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề đang nghiên cứu, sáng tạo các mẫu mã sản phẩm từ nguyên liệu trên để tạo ra các sản phẩm thủ công bảo đảm chất lượng mỹ thuật, kỹ thuật xuất khẩu. Một số sản phẩm đã được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận và tiềm năng khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ rất lớn. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu để xử lý bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất mây tre giang đan hiện nay.

Thiện Tâm

* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.

Top