Phát triển nhà ở Hà Nội: Cần định hình phân khúc hợp lý

14/06/2022 1:24 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 14/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Phát triển nhà ở Hà Nội: Cần định hình phân khúc hợp lý - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Phấn đấu đến năm 2030, diện tích nhà ở đạt 32 m2 sàn/người

Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030 xác định, nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 là 89 triệu m2 sàn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 44 triệu m2 sàn, giai đoạn 2026-2030 là 45 triệu m2 sàn.

Tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội đến năm 2030 khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó, đến năm 2025 là 1,25 triệu m2 sàn nhà ở.

Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu sử dụng nhà tái định cư của Thành phố khoảng 1,29 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, khoảng 16.186 căn hộ, trong đó 558 căn chưa có phương án sử dụng, 9.711 căn dự kiến sẽ nhận hỗ trợ bằng tiền, còn lại 5.917 căn cần phát triển mới và bổ sung khoảng 1.200 căn dự kiến phục vụ tạm cư, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, do đó, cần đầu tư xây dựng 7.117 căn, tương đương khoảng 565.000 m2 sàn nhà ở.

Giai đoạn 2026-2030, tổng nhu cầu sử dụng nhà tái định cư Thành phố khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, khoảng 16.200 căn hộ. Về nhu cầu phát triển nhà ở thương mại, giai đoạn 2021-2025 khoảng 19,42 triệu m2 sàn nhà ở; giai đoạn 2026-2030 khoảng 15,19 triệu m2 sàn nhà ở. Về nhu cầu phát triển nhà ở riêng lẻ khoảng 4,5 triệu m2 sàn nhà ở/năm, cả khu vực đô thị và nông thôn...

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 32 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33 m2/người và khu vực nông thôn đạt 28 m2/người. Cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Phấn đấu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động…

Cần đánh giá hết các loại nhà ở hiện có

Phát triển nhà ở Hà Nội: Cần định hình phân khúc hợp lý - Ảnh 3.

Ông Lê Đức Bính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố nêu ý kiến. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Góp ý vào Dự thảo Chương trình, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật đánh giá, nhà ở là vấn đề cực kỳ quan trọng, do đó cần thiết phải có Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở cho Thành phố. Có thể thấy trong quá trình chuẩn bị xây dựng Chương trình, các đơn vị đã bám sát quy định của pháp luật, quyền hạn và có sự tham gia rất tích cực của các cơ quan chuyên ngành. Đặc biệt, Chương trình đã bám sát 10 đối tượng cho việc xây dựng nhà ở.

Đồng tình với nội dung về mục tiêu tổng quát, mục tiêu tổng thể đến năm 2030 của bản Dự thảo. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật cho rằng, tất cả mới chỉ là định hướng, dự kiến đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đảng.

"Để Dự thảo Chương trình có tính tuyết phục, cần bổ sung số hộ dân, người lao động có nhu cầu về nhà ở; cần cụ thể hóa nhu cầu nhà ở của nhân dân Thủ đô ở các tầng lớp. Đồng thời cần nắm rõ số liệu nhà tạm hiện nay là bao nhiêu? nhu cầu nhà ở cho công nhân, sinh viên là bao nhiêu?..." ông Phạm Ngọc Thảo nêu rõ.

Về giải pháp thưc hiện, ông Phạm Ngọc Thảo nhất trí với một số giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch xây dựng, kiến trúc, công nghệ, loại hình nhà ở, trong đó có cải tạo chung cư. Đó là những giải pháp quan trọng cần thiết. Bên cạnh đó cần bổ sung vấn đề về đất đai, vốn, phân khúc nhà ở (cần gắn với khả năng tài chính của mỗi người dân)…

Khẳng định chương trình phát triển nhà ở lớn sau chương trình an ninh lương thực, ông Lê Đức Bính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố cho rằng, cần đánh giá hết các loại nhà ở hiện có của Hà Nội. Theo ông ngoài các nhà biệt thư, chung cư, nhà ở xã hội... còn có các nhà đặc chủng, nhà công vụ... vì vậy cần đánh giá hết mới có thể vẽ nên bức tranh nhà ở.

Cũng theo ông Bính, dự báo về nhu cầu nhà ở của Thành phố có thể gia tăng, nhất là khi vùng Thủ đô được mở ra, các loại đường vành đai được kết nối. Từ đó, ông đề nghị nghiên cứu lại diện tích bình quân đầu người; nguồn vốn ngoài nguồn ngân sách Thành phố, xã hội hóa... cần kết nối nguồn vốn của người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư ở địa phương.

Ngoài ra, trong thực hiện bức tranh nhà ở vào năm 2030 cần chú ý tới cả yếu tố thẩm mỹ, trong đó kiên quyết xóa chung cư cũ; chú trọng phát triển nhà ở phải hướng tới "mát về mùa hè và ấm về mùa đông"; các công trình cạnh hồ cần quy định rõ hướng ra sông và không được xả thải; nhà ở bên đường quốc lộ phải sau hành lang cây xanh...

Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, thể hiện sự tâm huyết gắn bó với Thủ đô, với Hà Nội. Các ý kiến đóng góp đều khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Chương trình này.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Chương trình phát triển nhà ở phải bám sát căn cứ pháp lý như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị theo hướng phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" hay Sở Xây dựng cũng phải bám sát Quyết định 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030. Đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân khi đón nhận Chương trình này, bởi khi Chương trình được ban hành, nhân dân sẽ được ở môi trường sống tốt hơn, không gian hoàn cảnh tốt hơn.

Liên quan đến ý kiến về việc cung cấp thông tin, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở Xây dựng và các cơ quan chuyên môn cần làm rõ các thông tin trong quá triển khai; phương pháp nghiên cứu, xác định số liệu, mục tiêu cụ thể.

"Từ việc rà soát tính toán tất cả nhóm số liệu cụ thể, đối tượng thụ hưởng, đối tượng chính sách, người già, người có công… trên cơ sở đó, định hình phân khúc nhà ở cho hợp lý", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Đồng thời cần cập nhật những nội dung cụ thể của các đề án, quy hoạch về nhà ở như việc cải tạo chung cư cũ, vấn đề Vành đai 4, quy hoạch sông Hồng,…Cần tuân thủ quy hoạch Thủ đô. Đây là vấn đề cốt lõi cho các chương trình.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương, vấn đề liên quan đến quản lý, đồng  bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội hay điểm nhấn về kiến trúc đô thị, không gian chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn cũng cần đề cập đến trong Dự thảo Chương trình…

 "Mục tiêu là phải góp phần bình ổn thị trường bất động sản, người dân phải có nhà ở trong điều kiện khá hơn. Cố gắng mỗi sở, ngành cần có 1 đề án mang tính then chốt để thực hiện tốt chương trình nhà ở…", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Thùy Linh


Top