Phát triển nông nghiệp-Hiệu quả từ cơ giới hóa

24/09/2016 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong chương trình xây dựng Nông thôn mới. Hiện nay phong trào cơ giới hóa trong nông nghiệp của Thành phố đang diễn ra khá sôi động trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả khả quan.

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Tú Mai

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, để thực hiện tốt cơ giới hóa thì trước hết phải làm tốt khâu dồn điền đổi thửa-bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì khi đó việc áp dụng cơ giới hóa mới đạt hiệu quả cao. Sau 4 năm thực hiện và nhờ hiệu ứng từ xây dựng NTM, chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Từ nền cơ giới hóa chậm phát triển

Nếu trước năm 2013-trước khi thực hiện Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp TP Hà Nội và Quyết định của UBND Thành phố về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thì ngành trồng trọt Thành phố chỉ có hơn 4,7 nghìn máy làm đất các loại đảm bảo cho hơn 70,7 nghìn ha, đạt tỷ lệ 69,2% diện tích đất nông nghiệp; 4 máy cấy đảm bảo cấy được 40 ha, 520 máy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh phun cho 15,6 nghìn ha và 397 máy gặt đập liên hợp. Ngành chăn nuôi có 290 máy vắt sữa, 479 hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động, 105 hệ thống làm mát chuồng lợn…

Những con số này cho thấy, mức độ cơ giới hóa của nông nghiệp Hà Nội đạt tỷ lệ thấp so với bình quân chung của cả nước và khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong trồng trọt, khâu làm đất bằng máy chiếm tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất nhưng cũng chỉ mới đạt 69,2%, máy gặt đập liên hợp và máy cấy còn chiếm tỷ lệ <10%. Trong chăn nuôi cả bò, lợn và gia cầm, trình độ cơ giới hóa đều ở mức dưới 20% và hầu hết đều là máy bán tự động. Đặc biệt ở một số khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, mức độ cơ giới hóa đạt tỷ lệ rất thấp.

Đến hiệu quả tích cực

Tuy nhiên, sau năm 2013, nhờ có chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố nên công tác dồn điền đổi thửa đến năm 2016 đạt được 73.569ha đất nông nghiệp. Đồng thời, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chương trình cơ giới hóa và ban hành chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa nên việc triển khai có nhiều thuận lợi. Nhất là khi có sự đồng tình tham gia của hầu hết các huyện và đông đảo các hộ nông dân, các chủ trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp nên bước đầu đã thu được nhiều kết quả.

Trong 4 năm (2013-2016), trên địa bàn Thành phố đã đầu tư 9 khâu cơ giới hóa trên hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Lấy mốc so sánh từ năm 2012 thì đến nay, các chỉ số cơ giới hóa đều tăng cao. Trong ngành trồng trọt, khâu làm đất tỷ lệ cơ giới hóa đã từ 69,2% diện tích lên 95%; cấy bằng máy từ 0,04% lên 2,55%. .. Trong chăn nuôi-thủy sản, tỷ lệ cơ giới hóa khâu thái cỏ từ 55,7% lên 80%;  hệ thống làm mát chuồng trại trong chăn nuôi lợn từ 2,6% lên 11,5%; thủy sản có hệ thống quạt nước từ 2,9% diện tích lên 15%.

Bên cạnh đó, để khuyến khích phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng cho các hợp đồng vay vốn mua máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Trong giai đoạn từ 2012-2016, có 122 hộ vay tiền ngân hàng mua 140 máy, đến nay đã hỗ trợ tiền lãi suất ngân hàng hơn 4 tỷ đồng. Năm 2016 thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng trong 39 tháng để đầu tư mua máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp là 345 máy gặt đập liên hợp, 72 máy làm đất, 16 máy cấy, với số tiền vay 212 tỷ của Ngân hàng NN&PTNT để mua máy.

Nhờ thực hiện cơ giới hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội rõ rệt, góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10-15%. Đồng thời giảm chi phí sản xuất từ 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất; giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư vào cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,15 đến 1,2 lần so với lao động thủ công.

Đồng thời góp phần giải phóng sức lao động nông thôn, giảm bớt khó khăn, nặng nhọc cho người nông dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. 

Lấy HTX làm nòng cốt phát triển 

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội còn thấp so với cả nước và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trình độ cơ giới hóa nông nghiệp chưa mang tính đồng bộ, còn rời rạc từng khâu. Ngành trồng trọt mới cơ giới hóa được 4 khâu, ngành chăn nuôi cơ giới hóa được 5 khâu trong chăn nuôi bò, lợn, gà và thủy sản. Nguyên nhân chủ yếu là nông nghiệp nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, tính hàng hóa thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn.

Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa đầu tư cơ giới hóa theo hướng khép kín, đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Đặc biệt, lực lượng lao động chính trong nông nghiệp hiện nay đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên việc đẩy mạnh cơ giới hóa cần có các giải pháp có hiệu quả để tháo gỡ những khó khăn hiện tại.

Vì vậy, theo ông Ngô Đại Ngọc, từ những hạn chế này, Hà Nội sẽ tiếp tục khắc phục và củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện để các Hợp tác xã nông nghiệp đã chuyển đổi theo luật năm 2012 làm nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đồng thời sớm hình thành các Hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp để quản lý, sử dụng tốt máy móc, thiết bị cơ giới hóa nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Hà Nội.

Mặt khác, sẽ không ngừng đầu tư cho cơ sở chế tạo, lắp đặt và cải tiến máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp trong nước. Đảm bảo tính đa năng phù hợp với nhiều đối tượng cây trồng, cơ cấu luân canh tăng vụ phù hợp với đặc điểm đất đai và điều kiện sản xuất của Hà Nội, đảm bảo chất lượng và giá thành hạ để cạnh tranh với máy, thiết bị cơ giới hóa của nước ngoài. 

Tú Mai

Top