Phát triển nông nghiệp, nông thôn nâng cao đời sống nông dân

13/01/2023 2:15 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 13/1, Chi cục Phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn năm 2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn nâng cao đời sống nông dân - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn trao bằng khen cho các cán bộ của Chi cục Phát triển nông thôn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thủ đô luôn được Thành ủy, UBND Thành phố đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo, tạo nhiều cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích phát triển.

Về công tác phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025, tính đến hết tháng 12/2021 Hà Nội có 145 chuỗi, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Về hình thức liên kết trong 145 chuỗi có 14 chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; một chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… 

Bên cạnh đó đã có nhiều mô hình điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu Cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và Bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến...

Tính đến  cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố có 1.378 Hợp tác xã nông nghiệp. Số lượng Hợp tác xã nông nghiêp thành lập mới là 58 Hợp tác xã, số lượng Hợp tác xã nông nghiệp giải thể là 21. Trong đó có 211 Hợp tác xã loại tốt (đạt 22%); 362 Hợp tác xã loại khá (đạt 37,8%)… Ngoài ra Hà Nội còn có 1.695 trang trại, trong đó có 1.346 trang trại chăn nuôi; 196 trang trại nuôi trồng thủy sản; 109 trang trại tổng hợp (có 3 trang trại có hoạt động du lịch nông nghiệp: trang trại hữu cơ Tuệ Viên quận Long Biên; trang trại trải nghiệm Vạn An, huyện Thanh Trì; trang trại Hoa Bay, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ); 43 trang trại trồng trọt; 1 trang trại lâm nghiệp.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn nâng cao đời sống nông dân - Ảnh 2.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm khu vực nông thôn Hà Nội ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: VGp/Thiện Tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trong những tháng đầu năm 2022 còn phức tạp nhưng ngay từ đầu năm Ban lãnh đạo Chi cục đã chủ động chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch tiến độ và triển khai tổ chức hai Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và Sinh vật cảnh Thành phố Hà Nội năm 2022. Đồng thời tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, OCOP tại Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 năm 2022 và tổ chức nhiều Hội thảo khác để thúc đẩy phát triển tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chi cục đã phối hợp với các Sở, ngành, các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Mỹ Đức và 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tham mưu Sở N&PTNT dự thảo Tờ trình và Nghị quyết về chính sách hỗ trợ và mức chi quản lý dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 lấy ý kiến các Sở, ngành… Ngoài ra, Chi cục đã phối hợp với các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức và 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xây dựng kế hoạch vốn năm 2023 với tổng số kinh phí hỗ trợ dự kiến 100 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được, trong năm 2023 và thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Chí đơn vị sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch củng cố, kiện toàn Hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (phân kỳ năm 2023). Trong đó tập trung vào việc hỗ trợ tư vấn thành lập mới Hợp tác xã nông nghiệp; củng cố Hợp tác xã nông nghiệp; đào tạo trình độ sơ cấp nghề Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch đảm bảo quy định và đạt hiệu quả.

Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ quản lý Hợp tác xã nông nghiệp và chủ trang trại trên địa bàn các huyện nhằm trang bị kiến thức quản lý; quy định, định hướng mới phát triển Hợp tác xã, trang trại; phát triển liên kết chuỗi giá trị; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh; ứng dụng chuyển đổi số;... góp phần phát triển Hợp tác xã, kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố.

Thiện Tâm

Top