Phát triển rau hữu cơ xứng với tiềm năng

07/01/2019 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân được nhiều người tin dùng, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, để mở rộng mô hình vẫn còn nhiều khó khăn do chưa cạnh tranh được với rau thông thường về giá cả và số lượng tiêu thụ chưa tương xứng với khả năng sản xuất.

Sản xuất rau hữu cơ mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ảnh: Thiện Tâm

Theo huyện Sóc Sơn, mô hình rau hữu cơ của huyện được thành lập từ năm 2008 tại xã Thanh Xuân chỉ với một nhóm sản xuất gồm 11 thành viên, diện tích nhỏ 0,7ha. Đến nay đã có 25 nhóm với 180 thành viên tham gia với tổng diện tích gieo trồng là 37,5ha. Có thể thấy, sản xuất rau hữu cơ có sự lan tỏa và nhân rộng, có nhiều nhóm sản xuất rau hữu cơ được thành lập với quy mô diện tích lớn từ 2 - 7 ha. Riêng năm 2016 thành lập thêm 5 nhóm, tăng 25 thành viên và 123.887 m2 so với năm 2015. Hiện nay, mô hình rau hữu cơ đang được phát triển sang xã Hiền Ninh (2ha), Tân Dân (1ha); Đông Xuân (1ha).

Năm 2012 Nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ Sóc Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và đã được sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ quốc tế, được tổ chức Hữu cơ Thế giới cộng nhận và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn PGS. Liên tục trong 3 năm sản phẩm được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam và được Chính phủ đánh giá là một trong những hướng đi mới của nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh đó, quy trình sơ chế và đóng gói sản phẩm cũng được làm rất đầy đủ, bài bản. Toàn bộ sản phẩm hữu cơ trước khi đưa ra thị trường, đều được sơ chế, đóng gói, dán tem nhãn cung cấp mọi thông tin truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Việc quản lý, cấp phát tem nhãn “Rau hữu cơ Sóc Sơn” được liên nhóm thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Từ đó tiếp tục nâng cao thương hiệu của sản phẩm được Hiệp hội hữu cơ Việt Nam, ban điều phối PGS, đặc biệt được kênh phân phối và người tiêu dùng đánh giá cao.

Bình quân mỗi năm rau hữu cơ Sóc Sơn đưa ra thị trường trên 800 tấn rau củ quả các loại, tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Mỗi tháng Hợp tác xã đưa ra thị trường Hà Nội bình quân từ 70-80 tấn rau, sản phẩm sản xuất ra luôn được tiêu thụ hết. Hiện tại Hợp tác xã đang ký kết thu mua đối với 12 công ty và 45 điểm bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn đã được xuất khẩu sang các nước như Pháp, Đức…. với sản phẩm chủ yếu là rau gia vị và bí xanh.

Nhờ vậy, mô hình rau hữu cơ đã góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho vài trăm lao động tại nông thôn. Bình quân mỗi thành viên trong nhóm sản xuất rau hữu cơ có mức thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng.

Hiện nay, sản phẩm rau hữu cơ đã hình thành chuỗi liên kết sản phẩm sạch. Ngoài trồng và sản xuất rau hữu cơ, Hợp tác xã còn kết hợp với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ “sạch”. Là một trong những điểm đến thăm quan mô hình của các tỉnh và huyện bạn, mô hình thăm quan cho các trường học trên địa bàn thành phố và các đoàn khách quốc tế.

Tuy nhiên, dù sản xuất theo phương pháp hữu cơ chất lượng sản phẩm rất tốt, song năng suất cây trồng vẫn ở mức thấp, mẫu mã không đẹp bằng canh tác thông thường và giá thành cao. Do vậy, rau hữu cơ Sóc Sơn chưa tiếp cận được hết các đối tượng khách tiêu dùng.

Chính vì vậy, để thúc đẩy mở rộng sản xuất trong thời gian tới, UBND huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu tập thể rau hữu cơ Sóc Sơn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất rau, mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ sang các xã khác của huyện.

Song song hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông qua ngày hội rau hữu cơ, tham gia các hội chợ và thông qua hệ thống thông tin, báo đài.

Thiện Tâm

Top