Phát triển thế mạnh để nghề gỗ Vân Hà không mai một

06/08/2022 8:56 AM

(Chinhphu.vn) - Với truyền thống phát triển nghề chạm khắc gỗ có từ hàng trăm năm, trải qua thăng trầm lịch sử đến nay nghề gỗ Vân Hà, huyện Đông Anh vẫn được giữ gìn và phát triển; ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với chất lượng cao và mẫu mã đa dạng. Hiện Vân Hà đã có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao.

Phát triển thế mạnh để nghề gỗ Vân Hà không mai một - Ảnh 1.

Nghệ nhân Đỗ Văn Cường, Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng, xã Vân Hà. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Đỗ Văn Cường, Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng, xã Vân Hà cho biết, Vân Hà là một xã nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống, vốn xưa kia là một địa bàn vùng chiêm trũng, nền kinh tế phát triển thuần nông chuyên canh cây lúa. Với vốn truyền thống từ gốc làng nghề cổ truyền, sau khi cơ chế mở cửa kinh tế thị trường, ngành gỗ tiểu thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh.

Người dân lao động của Vân Hà vốn gốc là thuần nông, song phần lớn thời gian hiện nay ngoài hai mùa vụ sản xuất nông nghiệp là hộ tập trung vào tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các lao động được bố trí phân công lao động theo tự nhiên và theo khả năng trình độ từ lao động có tay nghề kỹ thuật cao như nghệ nhân, thợ điêu khắc, thợ đục, trạm, thợ ngang đến các lao động phổ thông như trà, đánh giấy giáp... Nhờ làng nghề phát triển nên đã giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, đồng thời gữ gìn và phát triển văn hoá truyền thống. Đặc biệt là tạo ra bộ mặt đô thị hóa nông thôn mới và làm giàu trên quê hương Vân Hà. Thu nhập của người lao động từ nghề sản xuất đồ gỗ và sản phẩm gỗ mỹ nghệ hiện phổ biến từ 5 triệu đến 30 triệu/người/tháng, cao hơn nhiều so với thu được nhập sản nông nghiệp từ trồng lúa.

Theo lãnh đạo xã, Vân Hà là một trong ba xã được tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển trục động lực của huyện trong lộ trình thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận. Thời gian qua Xã Vân Hà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2013 có 5/5 thôn. Hiện xã đang tập trung thực hiện Bộ tiêu chí hợp nhất thực hiện Đề án đầu tư xây dựng xã thành phường, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt xã nằm trên tuyến đường trục kinh tế phía đông là tuyến đường huyết mạch thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế, xã hội và thương mại dịch vụ nhất là đối với xã có làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Song song với việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế của huyện Đông Anh, UBND xã Vân Hà còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ, làm thương mại dịch vụ, được vay vốn để phát triển kinh tế, phối hợp đào tạo và truyền dạy nghề chạm khắc gỗ để duy trì phát triển nghề truyền thống, thu hút lao động và giải quyết việc làm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8-10 %, thu nhập bình quân đạt 69-70 triệu đồng /người/năm.

Hiện xã Vân Hà đang tập trung quyết liệt và quyết tâm phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận xã Vân Hà thành phường vào cuối năm 2022.

Ngành tiểu thủ công nghiệp của xã Vân Hà phát triển mạnh đã góp phần quan trọng vào tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được phân bố tại 5 thôn trong xã. Nghề thủ công gỗ mỹ nghệ Vân Hà là nghề truyền thống từ xa xưa truyền lại. Đến nay, nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống Vân Hà phát triển mạnh cùng với các làng nghề lân cận.

Trên địa bàn xã hiện có 14 nghệ nhân được UBND thành phố Hà Nội công nhận và 48 thành viên là đại diện các hộ sản xuất và doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn; số hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và làm nghề chạm khắc gỗ chiếm hơn 60%.

Là xã có nghề đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống, chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng như sản xuất đổ nội thất (tủ, đồ thờ, bàn ghế các loại; tượng, tranh phù điêu...), các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế đẹp, có tính cạnh tranh; một số sản phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố và khu vực.

Trên địa bàn xã hiện có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Qua việc tham gia chương trình, các cơ sở sản xuất được chứng nhận OCOP dần chứng minh sản phẩm có khả năng tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.

Không để làng nghề mai một…

Phát triển thế mạnh để nghề gỗ Vân Hà không mai một - Ảnh 2.

Các cấp chính quyền cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời để phát triển làng nghề, góp phần gìn giữ giúp làng nghề không bị mai một. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng, xã Vân Hà, làng nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống Thiết Úng được hình thành hơn 400 năm. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử nghề truyền thống vẫn được giữ gìn và phát triển. Hiện nay làng Thiết Úng có gần 20 nghệ nhân, với tỷ lệ hơn 80 % người dân đang hoạt động, sống và làm nghề. Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đang phải hoạt động ở mức độ cầm chừng, chưa phát triển trở lại mạnh như trước do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Để giữ gìn khôi phục và phát triển là nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ thôn Thiết Úng, theo nghệ nhân Đỗ Văn Cường, "cái trăn trở lớn nhất của làng nghề là đào tạo lớp kế cận để chuyền nghề và cần những điểm tập trung trưng bày sản phẩm kết nối giao thương, nguồn nguyên liệu sản phẩm, mở các lớp tập huấn để trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Từ đó giúp mở mang tư duy về sản phẩm làng nghề, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi các lớp đào tạo nâng cao tay nghề".

Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, chăm lo cho làng nghề ngay cả khi vẫn đang hoạt động chứ đừng để khi làng nghề đã mai một, hoặc "chết lâm sàng" rồi mới quan tâm thì lúc đó e rằng đã quá muộn. Bên cạnh đó, các hộ gia đình đang làm nghề cũng rất cần chính quyền tạo mọi thuận lợi cho các cá nhân làng nghề về thủ tục hành chính, cũng như có sự hỗ trợ, chế độ chính sách động viên cho các nghệ nhân thợ giỏi, vì đây là một nguồn tác động cực kỳ lớn đối với việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.

Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn, giúp cho làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, tăng thu nhập cho người lao động, theo nghệ nhân Đỗ Văn Cường, làng nghề cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ chỗ thu hút khách thăm quan, du lịch thông qua việc duy trì các hoạt động lễ hội truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.

Tiếp tục phát triển và nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể gỗ mỹ nghệ Văn Hà, áp dụng nhãn hiệu vào các sản phẩm của mỗi gia đình. Các hộ sản xuất tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thiết kế mẫu sản phẩm phong phú, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu khách hàng thông qua việc tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, tham gia các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thi thiết kế mẫu sản phẩm du lịch Thành phố Hà Nội và quốc gia; thi sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp hàng năm.

Tổ chức các hoạt động định hướng và truyền dạy nghề tại chỗ cho thế hệ trẻ song song với việc học tập văn hóa tại các trường trên địa bàn.

Cùng với đó là tạo cơ chế kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề, kết nối giữa vùng có nguyên liệu gỗ với doanh nghiệp làm thương mại, nhà khoa học, ngân hàng và làng nghề để tạo sự liên kết vững chắc cùng phát triển, hạn chế rủi ro. Tổ chức các lớp bồi dưỡng về kỹ năng, bí quyết làm thương mại, du lịch; đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làng nghề trên tất cả các kênh thông tin hiện có. Quan tâm đầu tư hỗ trợ nguồn kinh phí để xã và các nghệ nhân làng nghề phối hợp với các phòng, ban chức năng các cấp tổ chức mở lớp dạy nghề cho con em trong xã và các vùng lân cận. 

Thiện Tâm

Top