Phát triển vận tải công cộng: Giải pháp căn cơ giảm áp lực giao thông
(Chinhphu.vn) - Để giảm ùn tắc giao thông từ phương tiện cá nhân, cần song hành cả hai nhóm giải pháp lâu dài và trước mắt. Trong đó, việc phát triển vận tải hành khách công cộng chính là giải pháp căn cơ.

Áp lực giao thông từ phương tiện cá nhân tăng cao. Ảnh: VGP/Bích Phương
Áp lực giao thông từ phương tiện cá nhân
Hà Nội hiện có khoảng 9,2 triệu phương tiện giao thông, ngoài ra còn có khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn Thành phố. Trung bình mỗi năm hạ tầng giao thông tăng thêm 0,3%, nhưng lượng phương tiện lại tăng thêm từ 4-5%, gấp 11-17 lần tốc độ mở rộng đường sá. Đặc biệt, xe ô tô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng của hạ tầng.
Diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt khoảng 12,15% (theo quy hoạch là 20-26%); mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường đã vượt 6-8 lần thiết kế. Thành phố có 36 điểm ùn tắc giao thông thường xuyên trong giờ cao điểm, hơn 230 điểm có nguy cơ ùn tắc cao. Ước tính, thiệt hại kinh tế do ùn tắc giao thông tại Hà Nội từ 1-1,2 tỷ USD mỗi năm; người dân mất trung bình từ 30-60 phút/ngày do kẹt xe.
Hơn nữa, lượng phương tiện cá nhân quá cao còn kéo theo hệ lụy nghiêm trọng về môi trường. Thực tế thời gian qua mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội luôn ở ngưỡng cao đến rất cao, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là lượng phương tiện cơ giới lưu thông hằng ngày quá lớn.
Ngoài ra, nhiều người dân vẫn giữ thói quen sử dụng xe cá nhân để đi lại hằng ngày do hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển. Số lượng tuyến ít, tính kết nối và tích hợp giữa các loại hình: xe buýt, tàu điện, xe đạp công cộng… còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho người dân trong việc chuyển đổi phương tiện và tiếp cận mọi điểm đến. Chất lượng dịch vụ và tần suất hoạt động của một số tuyến xe buýt chưa cao, thời gian chờ đợi lâu khiến người dân vẫn ưu tiên lựa chọn xe cá nhân…
Do vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông là cần thiết và phải bền bỉ cũng như thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa.

Tiếp tục ưu tiên phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn như đường sắt đô thị. Ảnh: VGP/Bích Phương
Tiếp tục phát triển vận tải công cộng để thay thế xe cá nhân
Để hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội, các chuyên gia giao thông cho rằng, cần song hành cả hai nhóm giải pháp lâu dài và trước mắt. Một mặt phát triển vận tải hành khách công cộng để thay thế vai trò của xe cá nhân, một mặt siết chặt điều kiện sử dụng, để người dân dần dần thay đổi thói quen nhiều năm qua.
Thành phố cần tiếp tục ưu tiên phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn như Metro, đây là xương sống của hệ thống giao thông công cộng Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đã được phê duyệt và nghiên cứu mở rộng mạng lưới trong tương lai.
Trong số các loại hình giao thông công cộng, Metro được đánh giá là phương tiện vận chuyển lý tưởng đối với các đô thị lớn nhờ khả năng chuyên chở khối lượng lớn và vận hành hiệu quả. Theo dự kiến, khi mạng lưới Metro của Hà Nội được hoàn thiện, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng có thể tăng lên mức 35-45%, đồng thời giảm tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân xuống còn khoảng 30%.
Bên cạnh phát triển mạng lưới metro, trước mắt, việc phát triển hệ thống xe buýt với mạng lưới rộng khắp và linh hoạt cũng được xem là giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất nhằm giảm áp lực giao thông cho Thủ đô.

Cần mở rộng không gian ưu tiên cho xe buýt hoạt động. Ảnh: VGP/Bích Phương
Thành phố nên nhanh chóng mở rộng không gian ưu tiên cho xe buýt hoạt động nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, đồng thời tạo động lực để người dân hạn chế sử dụng xe riêng.
Từ thực tế hoạt động của đường sắt đô thị cho thấy, khi có làn đường riêng, giảm thời gian di chuyển, bảo đảm mong muốn về giờ giấc đi lại, người dân sẵn sàng chuyển đổi sang loại hình vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới xe buýt, bảo đảm có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Trong đó ưu tiên quan trọng nhất là tạo không gian, làn đường riêng cho xe buýt để bảo đảm rút ngắn thời gian hành trình, phục vụ đắc lực hơn cho hành khách đi lại.
Có thể thấy, việc phát triển đường sắt đô thị song song với hệ thống xe buýt là một chiến lược hợp lý và cần thiết để xây dựng một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, bền vững. Từ đó góp phần giảm ùn tắc và khí thải đô thị.
Bích Phương