Sử dụng giao thông công cộng để cải thiện chất lượng không khí
(Chinhphu.vn) - Để cải thiện chất lượng không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành cùng phối hợp thực hiện các giải pháp. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.
Hà Nội liên tục đứng trong bảng xếp hạng các thành phố không khí ô nhiễm
Tuần qua, Thủ đô Hà Nội liên tục đứng trong bảng xếp hạng các thành phố không khí ô nhiễm nhất thế giới theo AirVisual. Điển hình, chỉ trong sáng ngày 7/12, do sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế làm cho 25 chuyến bay không thể cất cánh, hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Trong đó, 7 chuyến bay phải chuyển hướng, hạ cánh ở sân bay dự phòng.

Hà Nội đang đối mặt với một tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Hà Nội đang đối mặt với một tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy, môi trường không khí của Thủ đô năm 2022 đã phải hứng chịu 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2.
Theo như báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, có một số nguyên nhân chính đã đưa thành phố vào tình cảnh lo lắng này:
Thứ nhất, do phương tiện giao thông. Với hơn 770.000 xe ô tô và gần 6 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, khí thải từ giao thông đóng góp một phần lớn vào ô nhiễm môi trường. Chất bụi mịn PM2.5, khí CO và khí CO2 từ động cơ đã tạo nên một bức tranh ô nhiễm khó lường.
Thứ hai, do các khu công nghiệp và làng nghề. Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp và hơn 800 làng nghề, nơi sản xuất và chế biến, không chỉ tạo ra khói bụi và khí thải độc hại, mà còn góp phần vào sự gia tăng của ô nhiễm môi trường không khí.
Thứ ba, hoạt động đốt rác và rơm rạ. Đốt rác và rơm rạ sau thu hoạch, cùng với việc sử dụng bếp than tổ ong, đã tạo ra lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Sự thiếu kiểm soát và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này.
Thứ tư, hạ tầng và quản lý rác thải. Nhiều địa phương chưa có điểm trung chuyển rác thải, dẫn đến việc sử dụng điểm tập kết rác ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, và tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định là những thách thức cần vượt qua.
Thứ năm, kiểm soát phương tiện vận chuyển. Kiểm soát khí thải của phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng và xe máy gặp khó khăn, mặc dù đã có sự tăng cường kiểm tra và xử lý từ lực lượng chức năng. Tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho rằng, nguyên nhân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc xuất hiện sương mù dày là do khu vực này đang nằm trong khối không khí lạnh và khô với trường gió bắc đến tây bắc thổi từ độ cao 1.500 - 5.000 m.
Dưới tác động của trường gió này, ở miền Bắc, trời chuyển sang trạng thái ít đến quang mây, nên hiện tượng sương mù bức xạ đã xuất hiện, gây giảm tầm nhìn, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông, đi lại cũng như hoạt động bay tại sân bay Nội Bài.
Sẽ còn nhiều ngày xuất hiện sương mù ở Thủ đô
Cho biết tình hình dự báo trong những ngày sắp tới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho hay, hiện tượng sương mù ở nước ta chủ yếu được chia làm 2 loại là sương mù bình lưu và sương mù bức xạ. Hiện tượng sương mù bức xạ thường xuất hiện khi nằm sâu trong khối không khí lạnh với trường gió phân kỳ mạnh, tạo ra hiện tượng ít đến quang mây, là hiện tượng sương mù như buổi sáng nay.
Đây là loại sương mù nằm sát mặt đất và thường sẽ tan hết sau bình minh. Loại sương mù này thường hình thành vào những buổi tối yên tĩnh, bầu trời quang đãng, khi nhiệt độ ở mặt đất thấp đi do quá trình bức xạ nhiệt. Lớp không khí ở phía trên mặt đất trở nên thấp hơn so với ban ngày nên không thể giữ được nhiều hơi ẩm khiến hơi nước ngưng tụ lại, trở thành những giọt nước lơ lửng trong không khí. Mặt khắc sương mù bức xạ thường xuất hiện vào mùa thu và đầu mùa đông. Do đó, trong thời gian tới ở miền Bắc sẽ còn nhiều ngày có sương mù.
Ngoài ra, hiện tượng sương mù bình lưu là sương mù do khối không khí lạnh suy yếu lệch đông với đới gió đông đến đông nam đưa ẩm vào làm gia tăng lượng ẩm gây sương mù. Loại sương mù này thường xuất hiện vào cuối mùa đông và những ngày mùa xuân.
Đáng lưu ý, sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí; hít phải nó khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết thêm, dựa vào tình hình thời tiết, các chuyên gia khí tượng có khả năng dự báo trước được hiện tượng sương mù này từ 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, cường độ, mức độ thì còn phụ thuộc vào điều kiện địa hình cũng như điều kiện nhiệt ẩm từng giai đoạn; cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên hệ thống trang web của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Cần có một chiến lược đa chiều để giảm thiểu ô nhiễm không khí
Từ những nguyên nhân trên, cần có một chiến lược đa chiều, liên ngành để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ý thức của cộng đồng cần được nâng cao, và quy hoạch thành phố cũng cần tính đến vấn đề này trong quá trình phát triển bền vững.
Chia sẻ với báo chí, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống như của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.
Trong trường hợp chất lượng không khí ở mức xấu, có hại người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, không vận động tập thể dục ở ngoài trời. Khi ra đường người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng, có thể lọc được bụi PM2.5 (bụi mịn); đeo khẩu trang đúng quy cách.
Ngoài ra, người dân cần vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, ở khu vực chất lượng không khí xấu.
TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo người dân cần thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống; trồng cây xanh quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Để cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ngày 07/12 có văn bản đề nghị các sở, ngành phối hợp thực hiện giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí thành phố.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm đang gia tăng trên địa bàn Hà Nội, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp dưới, đột quỵ, tim mạch, tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thu phổi.
Các nhóm cộng đồng nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người đang mang bệnh phổi và tim mạch, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời...
Để cải thiện chất lượng không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành cùng phối hợp thực hiện các giải pháp.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tham mưu xây dựng phát triển giao thông vận tải, hệ thống giao thông thông minh, thân thiện với môi trường.
Giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Sở Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng một số nội dung khuyến cáo và tuyên truyền cho người dân có các biện pháp ứng phó, bảo vệ sức khỏe trong những ngày Chỉ số chất lượng không khí ở mức "Xấu" trở lên.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị, tăng cường kiểm soát phát thải từ các cơ sở sản xuất và cơ sở đốt rác. Kiểm soát phát thải từ đốt rơm rạ. Tăng cường kiểm tra, giám sát phát sinh ô nhiễm bụi từ các hoạt động thi công xây dựng theo quy định của Thành phố.
Yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công xây dựng thực hiện phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình, thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị trong thi công và có sổ theo dõi tinh hình bảo dưỡng, sửa chữa đối với các loại máy móc.
Cảnh báo và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng bao gồm: Công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí xung quanh, tích hợp thông tin dự báo chất lượng không khí, cảnh báo ô nhiễm thông qua trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng môi trường không khí xung quanh, tích cực khuyến nghị bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng thông qua trang web, tin nhắn, đặc biệt là ứng dụng điện thoại.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày 8/12, thời tiết miền Bắc duy trì tình trạng sương mù vào sáng sớm, nền nhiệt giảm sâu với mức thấp nhất 15-18 độ C. Ban ngày, nhiệt độ tăng mạnh lên ngưỡng 25-27 độ C, trời nắng.
Với mức chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm lên tới 10 độ C kèm theo hiện tượng sương mù, ô nhiễm không khí có thể quay trở lại nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội.
Đồng thời, người dân được khuyến cáo mang theo trang phục phù hợp khi di chuyển bên ngoài bởi buổi sáng trời rét, nhưng sẽ ấm lên nhanh chóng vào trưa và chiều.
Hà Nội: Nhiều mây, ngày nắng. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C, cao nhất 25-27 độ C.
Thùy Chi