Phố đi bộ: Điểm hẹn thú vị của du khách

14/06/2022 2:08 PM

(Chinhphu.vn) - Những con phố đi bộ như không gian quanh hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn và gần đây là phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây, cùng các tour du lịch đêm tại các di tích, danh thắng đã tạo nên những không gian du lịch văn hóa đặc sắc-điểm hẹn của du khách tại Thủ đô.

Phố đi bộ: Điểm hẹn của du khách - Ảnh 1.

Phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi của du khách. Ảnh: VGP/PL

Vào thời điểm chưa có dịch COVID-19, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là điểm hẹn của nhiều người dân và du khách trong nước, quốc tế vào dịp cuối tuần. 

Trong đó, khu vực phía trước đền Ngọc Sơn là nơi các họa sĩ đường phố vẽ chân dung khách bộ hành. Đối diện cổng đền, các tiết mục dân ca dân vũ trên nền nhạc sôi động của các đội văn nghệ không chuyên. Bên đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ lại có các hoạt động của ban nhạc, nhóm nghệ thuật biểu diễn theo phong cách hiện đại, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Với giới trẻ, Tạ Hiện là địa điểm yêu thích, nơi được nhắc đến mỗi khi có nhu cầu giao lưu gặp gỡ về đêm. Tạ Hiện nổi tiếng là "phố bia giữa lòng Thủ đô", nơi gắn kết những tâm hồn trẻ trung, tràn đầy sức sống thuộc đủ thành phần, quốc tịch.

Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Hà Nội đã có thêm 2 không gian đi vào hoạt động là không gian đi bộ Trịnh Công Sơn và không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Sau một thời gian dài tạm ngưng do dịch COVID-19, sự khởi động trở lại của tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội) đã mang lại sự hứng khởi cho người dân Thủ đô và du khách.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn được tái khởi động với nhiều điểm mới như chỉnh trang, xây dựng cảnh quan đẹp mắt với những con đường hoa, con đường hội họa, con đường tình yêu theo phong cách trẻ trung, hiện đại… Ngoài ra, quận Tây Hồ tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa; liên kết với nhiều điểm đến trong khu vực như: Công viên nước, Thung lũng hoa, các khu ẩm thực để tạo tuyến du lịch mới...

Tiếp đó, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã và đang trở thành địa chỉ lý tưởng để người dân thị xã và các huyện lân cận tìm đến vui chơi, giải trí vào các dịp cuối tuần. Công tác tổ chức chu đáo, chương trình nhiều thay đổi và an ninh tốt là điểm cộng của tuyến phố đi bộ "non trẻ" nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phố đi bộ: Điểm hẹn của du khách - Ảnh 3.

Nhiều du khách đến với phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: VGP Thành Nam

Đến thời điểm này, không gian đi bộ thành cổ Sơn Tây đã diễn ra trên 100 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 8 điểm sân khấu chính và các khu vực xung quanh. Các hoạt động được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi.

Ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, cho hay, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là một trong 4 tuyến phố đi bộ của TP. Hà Nội khi đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích thành cổ.

"Tuyến phố kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian văn hóa cộng đồng xung quanh tòa thành 200 năm tuổi uy nghi và cổ kính; đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và khách du lịch đến Sơn Tây mỗi dịp cuối tuần. Từ đó, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội của thị xã và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá xứ Đoài", ông Trần Anh Tuấn khẳng định

Có thể thấy, những sản phẩm mới kết hợp các sản phẩm cũ đang dần định hình rõ nét hơn bức tranh kinh tế đêm của Hà Nội. Trong tương lai gần, Thành phố sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác. Thí dụ các tuyến phố đi bộ tại hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng), hồ Ngọc Khánh, đảo Ngọc Ngũ Xã (quận Ba Đình) và một phố đi bộ nằm ngoài đường vành đai 3 đang được các địa phương đề xuất triển khai.

Tại đây, sẽ tập trung triển khai khai thác các hoạt động dịch vụ, du lịch vào buổi tối. Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chuẩn bị ra mắt tour khám phá Văn Miếu ban đêm, với nhiều ứng dụng mới về công nghệ…

Thành phố cũng đang hoàn thiện Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm - "quận du lịch" của Thủ đô. Hoạt động kinh tế đêm tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các hoạt động du lịch... với 6 không gian tạo động lực phát triển gồm: Khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ trong khu phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ...

Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế đêm vẫn tồn tại không ít vướng mắc. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các tổ chức triển khai các sản phẩm du lịch phục vụ kinh tế đêm và thu được kết quả khả quan. Nhưng đến nay chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này.

"Chúng ta cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm", bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Thành Nam

Top