Phối hợp bảo đảm an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm
(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và tăng cường kiểm soát nguồn gốc sản phẩm động vật, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Thời gian qua, Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc đã đẩy mạnh phối hợp trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, Thủy Sản, Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, Hà Nội hiện có tổng đàn trâu 28.800 con; đàn bò 119.000 con; đàn lợn 1,25 triệu con; đàn gia cầm 35,8 triệu con; có 152.636 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 6.736 trang trại chăn nuôi, trong đó có 94 trang trại quy mô lớn, 1.735 trang trại vừa, 4.907 trang trại quy mô nhỏ. Về thủy sản, diện tích mặt nước đưa vào nuôi thủy sản của Hà Nội khoảng 24.700 ha, sản lượng đạt 130.700 tấn.
Để tập trung phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm Hà Nội đã thực hiện tốt công tác kiếm soát, không để xảy ra lây lan, bùng phát dịch bệnh. Trong năm 2024 và quý I năm 2025, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố cơ bản ổn định. Đối với thuỷ sản, năm 2024 cả nước bị thiệt hại khoảng 22.490ha và 4.993 lồng bè, vào, bể nuôi có thủy sản bị thiệt hại do cá nước ngọt bị chết đột ngột do yếu tố môi trường, mắc các bệnh về xuất huyết, ký sinh trùng. Tại Hà Nội, dịch bệnh trên động vật thủy sản bị thiệt hại khoảng 12,5ha, tổng sản lượng khoảng 7,5 tấn.
Ngoài ra, Thành phố cũng tập trung xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, hiện Hà Nội có 29 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh, trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi trâu, bò; 2 cơ sở chăn nuôi dê, 10 cơ sở chăn nuôi lợn, 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, 12/12 quận của Hà Nội đã được Cục Chăn nuôi Thú y cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh dại động vật.
Theo Chi cục Thống kê Hà Nội, sản lượng thịt các loại của Hà Nội ước đạt hơn 70.000 tấn, về cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt và sản phẩm từ thịt của người dân Thủ đô. Nhưng riêng lượng sản phẩm thủy sản mới đáp ứng 58% nhu cầu người tiêu dùng, còn lại được nhập từ các tỉnh, thành phố khác.
Thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, cung ứng sản lượng sản phẩm gia súc, gia cầm có kiểm soát từ các tỉnh, thành.
Theo ông Hoàng Văn Dư, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển mạnh của cả nước, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 310.000 tấn/năm, tỷ lệ VietGAP trong chăn nuôi ngày càng cao và hệ thống các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tiếp tục được củng cố, mở rộng. Sản phẩm chăn nuôi của Bắc Giang không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà phần lớn được xuất bán ra các tỉnh, thành lớn, trong đó có Hà Nội. Vì vậy, việc phối hợp để cung ứng sản phẩm cho thị trường tiêu thụ trọng điểm là Hà Nội luôn được tỉnh Bắc Giang quan tâm, chú trọng.
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh từ Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng II và các chi cục địa phương qua hệ thống VAHIS. Công tác phối hợp thông tin, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ giữa Bắc Giang và Hà Nội luôn được duy trì thường xuyên, có sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&MT và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, nhiều chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp Bắc Giang và Hà Nội đã được hình thành.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý ngành chăn nuôi, Bắc Giang kiến nghị tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội trong việc kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch - giết mổ - chế biến sản phẩm động vật. Tổ chức tập huấn chuyên môn, thúc đẩy hình thành các trung tâm giết mổ, sơ chế, đóng gói có kiểm soát theo chuỗi.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Nhữ Văn Cẩn, thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh cần chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh, chú trong vào các loài thủy sản chủ lực có sản lượng lớn ở miền Bắc như: Tôm, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ…; hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở xây dựng các vùng, cơ sở nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; thực hiện tốt công tác thống kê, cập nhật tình hình dịch bệnh và báo cáo về Cục Thủy sản và Kiểm ngư; đẩy mạnh công tác kiểm dịch giống thủy sản khi lưu thông giữa các tỉnh để hạn chế dịch bệnh.
Thiện Tâm