Phòng chống bệnh Dại hiệu quả từ xây dựng 'vùng an toàn bệnh Dại'
(Chinhphu.vn) - Nhờ tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó nuôi nên đến nay Hà Nội đã hình thành các vùng an toàn bệnh Dại; số người chết về bệnh Dại trên địa bàn Hà Nội đã có xu thể giảm dần qua từng năm.

Tổ bắt giữ chó tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong giai đoạn 2017-2021 mỗi năm cả nước có 76 người chết vì bệnh dại và 510 nghìn người phải đi tiêm phòng dại do chó, mèo và các loại động vật khác cắn, cào…
Để phòng chống bệnh Dại, Luật Thú y đã quy định rất rõ tại Thông tư 07 ngày 31/5/2016 của Bộ NN& PTNT)… Thực hiện nội dung trên, những năm qua các địa phương, các tỉnh thành đã có nhiều cố gắng ban hành kế hoạch, chương trình hành động song hiệu quả có hạn chế. Số người bị chó mèo cắn vẫn gia tăng, đặc biệt ở các khu đô thị, phố đi bộ tại quận huyện, các khu công viên, nơi tập trung đông dân cư sinh sống, đông người vẫn còn nhiều chó thả rông, chó tấn công người, chó gây tai nạn giao thông, gây thương tích cho người đi đường, dạo chơi nơi công cộng.
Từ thực tế gần đây ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030 để các tỉnh thành, các địa phương tập trung triển khai có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, thành phố hiện có tổng đàn chó, mèo rất lớn dao động từ 421 nghìn đến 460 nghìn con và đang có xu hướng gia tăng. Một thực tế khi đời sống, dân trí cao người dân sống ở vùng đô thị, nhất là các khu chung cư cao tầng người dân có xu thế nuôi chó cảnh tăng, nhất là các loại chó quý có giá trị kinh tế cao. Nhiều người dân, kể cả các em thiếu nhi có thú vui dắt cho cảnh dạo trên đường phố, kể cả ở các tuyến phố đi bộ.
Tuy nhiên việc nhận thức và hiểu các quy định về việc nuôi chó nhiều người chưa biết, chưa hiểu nên đã xảy ra tình trạng để chó thả rông ra đường, không xích, không rọ mõm, đặc biệt ở các khu công công, công viên, trường học. Điều này sẽ rất nguy hiểm gây hiểm họa cho con người vì đặc tính của loài chó là sẵn sàng tấn công người lạ bất cứ lúc nào khi bị tác động. Hơn nữa để chó thả rông làm ảnh hưởng đến giao thông, đã có không ít vụ tai nạn giao thông, gây thương tích trên đường phố mà nguyên nhân chính do chó thả rông. Bên cạnh đó, để chó thả rông ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến sinh hoạt vui chơi của khách, người đi đường, khách tham quan du lịch. Ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh môi trường do chó thả rông phóng uế bừa bãi tại nơi công cộng, đường phố, ngõ xóm.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, giai đoạn từ năm 2015-2021 Hà Nội có tới 16 người chết vì bệnh Dại (bình quân khoảng 3 người chết/năm), riêng năm 2014 có 5 người chết, năm 2018 đã có 3 người chết vì bệnh Dại. Hàng năm toàn thành phố có trên 10.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh Dại do động vật cắn hoặc tiếp xúc với động vật nghi mắc Dại (chủ yếu do chó cắn), kinh phí tiêu tốn cho việc khám chữa bệnh, điều trị sự phòng với một số kinh phí không nhỏ, khoảng trên 20 tỷ đồng. Nguy hiểm hơn trong đời sống xã hội, việc quản lý chó nuôi không tốt, ddeeer nhiều chó thả rông tạo tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân nhất là tại các nơi công cộng, vui trơi giải trí, công viên phố đi bộ; gây mất cảnh quản đô thị, vệ sinh môi trường.
Với sự cố gắng nỗ lực của các cấp các ngành, những năm qua Hà Nội đã tập trung cao độ thực hiện một số nội dung, giải pháp cụ thể như tham mưu để Thành phố chỉ đạo về tiêm phòng, quản lý chó nuôi, chó thả rông, xây dựng vùng an toàn bệnh Dại. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm những quy định của Pháp luật khi nuôi chó. Tổ chức thực hiện có hiệu quả giải pháp về quản lý chó nuôi, chó thả rông, xử lý các vi phạm đối với chủ nuôi chó không chấp hành các quy định khi nuôi chó.
Mở rộng vùng an toàn bệnh Dại
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, một trong những nội dung quan trọng để có được "vùng an toàn bệnh Dại" đó là quản lý chó thả rông, hiện tại các quận đã tập trung chỉ đạo các phường thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông đi vào hoạt động. Từ kinh nghiệm thực hiện của các quận đi trước, tổ bắt giữ chó thường đi vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, không cố định về thời gian để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Điều quan trọng là tạo tâm lý thói quen cho người nuôi khi đưa chó ra nơi công cộng là phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm những quy định của Pháp luật khi nuôi chó. Nội dung tuyên truyền đi sâu việc phổ biến pháp luật, vai trò tác dụng của việc tiêm phòng vaccine Dại cho chó mèo, khi mang chó ra nơi công cộng bắt buộc phải có rọ mõm, có xích, có người dắt. Không nên nuôi các loài chó to, giống chó dữ, nhất là gia đình có người già, trẻ nhỏ, tùy điều kiện khuôn viên trong gia đình để nuôi các giống chó cho phù hợp. Tuyên truyền phổ biến những hành vi bị xử lý vi phạm hành chính nếu không chấp hành quy định về tiêm phòng, để chó cắn người, mất vệ sinh môi trường. Tuyên truyền những địa phương làm tốt việc quản lý chó nuôi nhân rộng những địa phương đã xây dựng thành công vùng an toàn dịch đối với bệnh Dại để nhân rộng mô hình điển hình.
Đến nay người dân có chuyển biến tích cực trong việc nuôi chó, nhất là tại các khu đô thị, khu chung cư, số chủ nuôi để chó thả rông ra nơi công cộng, khu vui chơi giải trí giảm đáng kể. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc tại các địa phương đã giảm số người bị chó thả rông cắn, giám các vụ việc tai nạn giao thông do chó thả rông gây nên. Cảnh quan đô thi, vệ sinh môi trường chuyển biến rõ nét nhất là tại các khu vực công viên, nơi công cộng, phố đi bộ.
Đối với chính quyền địa phương, nhất là tại các phường, sau các buổi tập huấn, làm rõ được vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận trong hệ thống chính trị ở cơ sở trong công tác quản lý chó nuôi, các phường đã chỉ đạo triển khai tuyên truyền, phổ biến đồng loạt tại các tổ dân phố. Đồng thời UBND các phường cũng thành lập các tổ bắt chó thả rông và triển khai bắt và xử lý chó thả rông trên địa bàn. Nhiều phường xã đưa các bài tuyên truyền thành chuyên mục phát theo chuyên đề, tuyên truyền hàng ngày theo phương châm "mưa lâu, thấm dần" giúp nâng cao ý thức cho người dân. Đồng thời để chính người dân lên tiếng, phản đối với các chủ nuôi chó chưa chấp hành các quy định khi nuôi chó. Từ những kết quả trên đến nay tại các quận, huyện nhất là các quận đã được chứng nhận vùng an toàn bệnh Dại số chó thả rông giảm đáng kể, chó ra nơi công cộng đã được các chủ nuôi có xích, có rọ mõm và người dắt. Số người chết về bệnh Dại trên địa bàn Hà Nội đã có xu thể giảm dần qua từng năm.
Tuy nhiên trong việc quản lý chó nuôi, chó thả rông cũng còn gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, công việc đòi hợp phải làm thường xuyên hàng ngày không ngừng nghỉ. Việc xử lý các giống chó to, chó dữ gặp nhiều khó khăn do dụng cụ trang thiết bị bắt giữ, vận chuyển chó còn thô sơ (chủ yếu tự chế) chưa chuyên nghiệp; vẫn còn có người chưa nhận thức đầy đủ tái diễn mang chó ra nơi công cộng không chấp hành quy định khi không có tổ bắt giữ chó hoạt động.
Trong thời gian tới theo kế hoạch của Thành phố, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành lập các tổ liên ngành để đi kiểm tra, đôn đốc các quận huyện triển khai, có chương trình hành động cụ thể để quyết tâm hoàn thành kế hoạch xây dựng "vùng an toàn bệnh Dại" tại 8/12 quận còn lại; tiếp tục đôn đốc các huyện có lộ trình lên quận xây dựng vùng an toàn bệnh Dại tại các thị trấn, các khu đô thị. Đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm kể cả việc kinh doanh vận chuyển chó mèo không tuân thủ các quy định của Pháp luật.
Phối hợp với các tổ chức trong nước, các tổ chức nước ngoài tuyên truyền, hội thảo về "phúc lợi động vật", quản lý giết mổ chó mèo; tiếp tục truyên truyền để người dân cùng chính quyền địa phương đưa công nghệ trong quản lý chó nuôi (gắn chíp); tập huấn, cải thiện trang thiết bị, bảo hộ lao động, tạo điểu kiện tốt nhất để lực lượng tham gia bắt giữ chó thả rông hoạt động có hiệu quả.
Thiện Tâm