Phòng chống dịch bệnh, phục hổi sản xuất sau mưa lũ

05/08/2024 4:34 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, lũ trên các sông tại Hà Nội đã tiếp tục rút nên số hộ dân bị ngập lụt tại các huyện cũng giảm. Vì vậy, các địa phương đã tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn phòng chống dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị để khôi phục, phát triển sản xuất.

Phòng chống dịch bệnh, phục hổi sản xuất sau mưa lũ- Ảnh 1.

Rác thải tồn đọng do mưa lũ tại huyện Quốc Oai. Ảnh: VGP/TT.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội, mặc dù tại các hồ thủy điện xả lũ làm mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống tiếp tục lên nhưng đã thấp hơn nhiều so với mức báo động lũ cấp I. Lũ trên các sông nội địa thành phố, như sông Tích, sông Bùi và sông Cầu tiếp tục xuống.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai cho biết, mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc, huyện Quốc Oai tính đến 7h ngày 5/8 là 7,27m trên báo động lũ cấp 2 là 0,07m (16h ngày 4/8 mực nước là 7,41m).

Phòng chống dịch bệnh, phục hổi sản xuất sau mưa lũ- Ảnh 2.

Huyện Quốc Oai đã huy động các lực lượng thực hiện tổng vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ảnh: VGP/TT.

Tổng diện tích canh tác, thủy sản bị ngập, thiệt hại là 998,7ha. Trong đó có 588ha lúa, 110ha rau màu, 50,7ha cây ăn quả, 240ha thủy sản. Trên địa bàn huyện không còn số hộ và nhân khẩu bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các Phòng, ban, ngành của huyện chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đồng thời đảm bảo an ninh trật tự; kê kích tài sản, di dời dân đến khu vực an toàn; triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế...

Từ 7h30' sáng 1/8, UBND các xã, thị trấn bị ngập đồng loạt triển khai ra quân công tác vệ sinh môi trường với phương châm "Nước rút đến đâu vệ sinh khử khuẩn đến đó", để nhân dân sớm ổn định tình hình và tiếp tục phục hồi sản xuất. Đến nay, cơ bản cả 5 xã bị ảnh hưởng ngập lụt do mưa bão đã ổn định, người dân quay trở lại đời sống sinh hoạt bình thường.

Phòng chống dịch bệnh, phục hổi sản xuất sau mưa lũ- Ảnh 3.

Vệ sinh trường học bị ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn huyện Quốc Oai. Ảnh: VGP/TT.

Vừa qua, ngày 1/8, UBND huyện Quốc Oai đã huy động trên 400 người gồm Hội Nông dân, hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, Trung tâm Y tế huyện, nhân dân địa phương... Các lực lượng tích cực làm các nhiệm vụ khơi thông cống rãnh, trục vớt rác trôi nổi tại các điểm ngập trũng, đọng nước, thu gom rác thải, phế thải tới điểm tập kết. Tổng số rác thu gom từ ngày 1 đến ngày 4/8 là 107 tấn, bên cạnh đó đã phun tiêu độc khử trùng cho trên 3.000m2 diện tích đường làng, ngõ xóm, khu trường học, nhà văn hóa...

Để tích cực công tác phòng chống dịch bệnh, Phòng Y tế huyện đã huy động xã hội hoá của các cơ sở kinh doanh thuốc ngoài công lập, với khoảng 5 tạ thuốc và các sản phẩm khác với hơn 30 loại gồm thuốc tra mắt, thuốc trị các bệnh ngoài da, thuốc dị ứng, nước muối sinh lý nattri clorid 0,9%... tổng trị giá hơn 25 triệu đồng để hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn huyện bị ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 2.

Phòng chống dịch bệnh, phục hổi sản xuất sau mưa lũ- Ảnh 4.

Phun khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh do mưa lũ tại Quốc Oai. Ảnh: VGP/TT.

Ngày 3/8, Phòng Y tế đã tổ chức bàn giao số thuốc và các sản phẩm trên cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của 3 xã: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết để cấp phát cho 265 hộ dân bị ngập lụt trên địa bàn. Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai cũng đã tổ chức lực lượng cán bộ y tế phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột phòng chống dịch bệnh và cấp phát 10 kg thuốc sát trùng Cloramin B phòng chống dịch bệnh cho các hộ dân trong vùng bị ngập.

"Hiện Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện tổng vệ sinh môi trường sau khi nước rút như thu gom rác, vệ sinh tiêu độc đến đó cộng với phun thuốc khử trùng để đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế Huyện cũng đang phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát thống kê thiệt hại của nhân dân bị ảnh hưởng do mưa bão theo quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất do ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh"- Bà Trang cho biết thêm.

Phòng chống dịch bệnh, phục hổi sản xuất sau mưa lũ- Ảnh 5.

Sau khi lũ rút người dân huyện Chương Mỹ tích cực thực hiện tổng vệ sinh môi trường, ổn định lại cuộc sống. Ảnh: VGP/TT.

Tại huyện Chương Mỹ- địa phương có nước rút chậm nhất của Hà Nội cũng đã luôn chủ động, sẵn sàng và tích cực để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất.

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ, tính đến 7h ngày 5/8, mực nước trên sông Bùi đã hạ xuống còn 5,93m (dưới mức báo động I). Trên địa bàn huyện còn 3 thôn, xóm bị ngập do mưa lũ, 266 hộ, 1.330 nhân khẩu bị ảnh hưởng do ngập lụt; 721m kênh mương bị hư hỏng; 200m đê bị rò rỉ; 130m vai, đập bị sạt lở; 6.500m giao thông nông thôn bị ngập; 25.000m giao thông nội đồng bị ngập; 1.099ha lúa bị ảnh hưởng; 1.587ha diện tích lúa cá và thủy sản và 4.893 con gia súc bị ảnh hưởng…

Phòng chống dịch bệnh, phục hổi sản xuất sau mưa lũ- Ảnh 6.

Huyện Chương Mỹ huy động các lực lượng tham gia vệ sinh trường học để bảo đảm môi trường sạch sẽ, phòng chống dịch bệnh trước thềm năm học mới. Ảnh: VGP/TT.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các Phòng, ban, ngành chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu; công tác đảm bảo an ninh trật tự; kê kích tài sản, di dời dân đến khu vực an toàn; triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế.

Huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia (trong đó, các đơn vị quân đội 450 người, 13 xe các loại, 04 xuồng máy); vật tư đã sử dụng: 6.028m3 đất, cát; 52.675 bao tải; 180m2 bạt nilon. Xí nghiệp Đầu tư và khai thác công trình thủy lợi đang vận hành 4 trạm, với 10 máy bơm để tiêu ngập úng.

Phòng chống dịch bệnh, phục hổi sản xuất sau mưa lũ- Ảnh 7.

Tại huyện Chương Mỹ, những vùng bị ngập lụt sau khi nước rút đã được vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: VGP/TT.

Từ 7h30' sáng 1/8, UBND các xã, thị trấn bị ngập đồng loạt triển khai ra quân công tác vệ sinh môi trường với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh khử khuẩn đến đó để nhân dân sớm ổn định tình hình và tiếp tục phục hồi sản xuất. Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, huyện có khả năng mất trắng khoảng 130ha diện tích lúa mùa. Do không còn trong thời vụ gieo cấy lúa tốt nhất nên huyện chỉ đạo địa phương vùng úng ngập khi lũ rút sẽ vận động nông dân trồng các loại rau màu, cây vụ đông sớm để sản xuất nông nghiệp thay cho lúa.

Tính đến 16h ngày 4/8, số nhân khẩu phải sơ tán cơ bản đã trở về vệ sinh nhà cửa. Toàn huyện đã huy động 220 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội gần 1.000 dân quân, cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên và 12 phương tiện để tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học để phục vụ cho năm học mới. Đồng thời huyện Chương Mỹ cũng đã tổ chức tiếp nhận từ nguồn xã hội hóa, nguồn ngân sách của các đơn vị mua sắm cấp phát hỗ trợ đến các hộ trong vùng ngập úng.

Cùng với việc tích cực, chủ động và triển khai các biện pháp để ổn định, bảo đảm đời sống người dân, các xã, thị trấn bị ngập úng, các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… cũng đang tập trung kiểm tra, đánh giá sự cố đê điều, công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở để bố trí kinh phí sửa chữa, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Thiện Tâm

Top