Phụ nữ Thủ đô sôi nổi tham gia phong trào sáng tạo, khởi nghiệp
(Chinhphu.vn) - Bằng tài năng, nghị lực, sức sáng tạo, thời gian qua, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn Thủ đô đã nỗ lực học tập, phấn đấu, hăng say lao động, luôn "giỏi việc nước đảm việc nhà", qua đó đã có nhiều gương điển hình với những thành tích nổi bật trong lao động sản xuất, công tác, đem lại lợi ích quý báu cho cộng đồng và xã hội.
Khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số khởi nghiệp của phụ nữ là 15,5% so với của nam giới là 11,6%. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có tới 31% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay do phụ nữ làm chủ, cao nhất Đông Nam Á.
Việt Nam hiện có 95.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Xét về quy mô và kết quả kinh doanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ không hề thua kém các doanh nghiệp của nam giới.
Với vị thế trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, Thủ đô Hà Nội đang nỗ lực thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các chị em phụ nữ.
Theo Hội LHPN Hà Nội, trong 5 năm (2017-2022), Ban thường vụ Hội đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ 30/30 quận, huyện, thị xã triển khai Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phụ nữ khởi nghiệp với nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả. Điển hình như có 11.500 phụ nữ là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp được tiếp cận với các chương trình chính sách về khởi nghiệp, nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh, đào dạo CEO chuyên nghiệp, tiếp cận với chuyển đổi số và thương mại điện tử. Bên cạnh đó có 19 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác, 39 nhóm liên kết phát triển nông nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ được Hội LHPN hỗ trợ thành lập, trở thành mô hình hỗ trợ chị em phát triển kinh tế tập thể bền vững; 1.205 dự án sáng tạo, khởi nghiệp của phụ nữ Thủ đô được bình chọn; 50 dự án tiêu biểu được vinh danh cấp thành phố; 17 dự án đạt giải cấp Trung ước; 22 ý tưởng được hỗ trợ 920 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị hiện thực hoá; 457 sản phẩm được kết nối xây dựng sản phẩm OCOP…
Có thể thấy, qua 5 năm thực hiện "Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", các cấp Hội LHPN Hà Nội đã hỗ trợ 2.580 phụ nữ Thủ Đô tự tin khởi nghiệp, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; ủng hộ nhiều tỷ đồng cho các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, giúp họ tích cực vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ đô và đất nước.
Đánh giá về những kết quả trong 5 năm thực hiện đề án, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền qua các chuyên mục phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế trên Trang thông tin điện tử của Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; trang thông tin điện tử của Hội LHPN Hà Nội… Đồng thời phối hợp tổ chức 22 khóa tập huấn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm kết nối đầu tư hỗ trợ 1.050 doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh do nữ làm chủ, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Cùng với hoạt động tuyên truyền, các cấp Hội Phụ nữ đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, các tổ chức tín dụng… tuyên truyền các chương trình cho vay vốn, hỗ trợ hơn 7.000 tỷ đồng giúp cho phụ nữ phát triển kinh tế.
Theo Hội LHPN Hà Nội, năm 2022, các cấp Hội đã tiếp nhận hàng nghìn dự án sáng tạo, trong đó có 175 ý tưởng, sản phẩm sáng tạo xét chọn tham gia cấp Thành phố.
Trong đó tiêu biểu là sản phẩm gạo Jamonica hữu cơ Nam Phương Tiến. Chị Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), chủ của sản phẩm này cho biết, thương hiệu gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể và đã đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu, hiện đã được đưa ra thị trường. Đây cũng là dự án nhằm khai thác có hiệu quả nguồn đất trồng lúa, mang đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng…
Chị Mùi chia sẻ, đất và người Nam Phương Tiến rất cần cù chịu khó, một nắng hai sương, lao động hăng say, để từ đó tạo ra những vườn rau xanh mơn mởn, những quả chín trĩu cành, những đồng lúa trải dài khoe sức sống. Bí quyết của bà con nơi đây là chuyên canh tác bằng phương pháp hữu cơ, không dùng phân bón từ hóa học, tạo cho các sản phẩm nông nghiệp giàu chất dinh dưỡng, an toàn và sạch để cung ứng cho thị trường.
Hợp tác xã hữu cơ Nam Phương Tiến được thành lập vào tháng 8/2018 với 15 thành viên. Đến năm 2021, hợp tác xã đã có 23 thành viên, với nhiều chủng loại sản phẩm như: Rau, quả, lúa, cá trên tổng diện tích 60 ha, trong đó có 2 ha bưởi, 5 ha rau, hơn 50 ha lúa theo định hướng sản xuất hữu cơ.
Hiện Hợp tác xã hữu cơ Nam Phương Tiến đã trồng và cung ứng gạo Japonica với chất lượng tốt nhất, được trồng bằng phương pháp hữu cơ, sử dụng 100% các chế phẩm vi sinh để bón cho cây lúa và diệt trừ sâu bệnh, bảo đảm cho hạt gạo giàu chất dinh dưỡng, an toàn khi sử dụng, được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng.
"Không quản khó, không ngại nắng mưa, chúng tôi với tâm huyết cung ứng cho người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng tốt nhất, an toàn khi sử dụng. Hợp tác xã đã và đang cố gắng áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng, sản phẩm giàu chất dinh dưỡng"- chị Mùi cho biết thêm.
Hay sản phẩm ống hút tre cũng là một sản phẩm điển hình. Xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường, chị Nguyễn Thị Hiên, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên với ý tưởng sản xuất uống hút tre nhằm thay thế những ống hút bằng nhựa. Sản phẩm này có thể tái sử dụng nhiều lần thông qua luộc và phơi. Nhờ sản phẩm độc đáo, chất lượng và thân thiện với môi trường, nên ống hút tre của gia đình chị Hiên đã xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, Mỹ và khu vực Đông Nam Á. Qua đó đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại chỗ và khoảng trên 500 lao động vệ tinh.
Bên cạnh đó còn có sản phẩm Trứng gà thảo dược và cà gai leo SaDu. Với ý tưởng mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm xanh, an toàn từ thiên nhiên, chị Mai Thị Kim Oanh, chủ Hợp tác xã nông nghiệp Cao Kiên (huyện Chương Mỹ) đã cho ra dòng sản phẩm này. Trứng gà thảo dược là loại sản phẩm không dùng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, vì vậy không tác động đến sức khỏe con người với hàm lượng cholesterol rất thấp, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều canxi. Dự án chăn nuôi gà thảo dược có thể tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Có thể thấy, phong trào khởi nghiệp của phụ nữ Hà Nội 5 năm qua đã thực sự đi vào đời sống, đóng góp tích cực vào phong trào khởi nghiệp quốc gia. Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp đến năm 2025 sẽ tiếp tục là tiền đề quan trọng khuyến khích phụ nữ mạnh dạn, tự tin hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp theo hướng phát triển sáng tạo, bền vững.
Để phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội phụ nữ Hà Nội tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp, đồng thời có những bước phát triển mới, xứng đáng với vị thế của Thủ đô, theo bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Ban Chấp hành Hội LHPN Hà Nội đề nghị cán bộ, hội viên, phụ nữ thành phố đoàn kết, đồng lòng tiếp tục thi đua làm nhiều việc tốt.
Thiện Tâm