Phú Xuyên: Đổi thay nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng

18/05/2016 1:39 PM

(Chinhphu.vn)- Trong 5 năm qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo cũng như tích cực vận động người dân hiểu rõ lợi ích của công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, huyện Phú Xuyên đã thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất… góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhân dân trong huyện.

Áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt giúp Phú Xuyên nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp - Ảnh minh họa

Phú Xuyên là huyện chiêm trũng nằm phía Nam thành phố Hà Nội, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Chính vì vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả cao, phù hợp với quy hoạch, áp dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống nông dân được huyện xác định là một trong những giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Chính vì vậy, trong những năm qua, huyện Phú Xuyên đã ban hành nhiều văn bản về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Đề án phát triển Rau an toàn, hoa cây cảnh; công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn…

Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp được huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo, năm 2012, huyện đã chỉ rõ quy hoạch của mỗi xã được làm vùng sản xuất lúa, vùng trồng rau và cây màu, vùng trồng cây ăn quả, trồng hoa, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản kết hợp với phát triển trang trại…

Có thể thấy cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nên huyện Phú Xuyên đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Cụ thể, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của huyện Phú Xuyên đến nay là 1.722 ha, đạt 135% so với năm 2011. Trong đó đã hình thành các điểm trồng hoa chất lượng cao, với tổng diện tích 4,68 ha. Diện tích cây lâu năm là 211 ha, bằng 102 % so với năm 2011… Ngoài ra, huyện còn có 73 trang trại đạt tiêu chí, tăng 34 trang trại so với năm 2011, tổng giá trị sản lượng hàng hóa là 112,6 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, cơ cấu cây trồng của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Việc đưa các giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất giúp tăng giá trị sản xuất/ha từ 2-3 lần, thậm chí có những mô hình gấp 5-6 lần so với cấy lúa. Nhiều mô hình mới được nhân dân áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng măng tây xanh, su hào chịu nhiệt trái vụ, mô hình rau cần, khoai tây vụ đông, bí xanh an toàn

Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm tăng giá trị sản xuất, thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố, huyện còn chủ trương khuyến khích áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, hỗ trợ 50% tiền mua máy cấy, máy gieo hạt đối với các HTX và hộ nông dân. Đến nay toàn huyện có 455 máy làm đất, 2 máy gieo mạ khay tự động, 30 máy gặt đập liên hoàn…

Tổng diện tích máy cấy năm 2015 là 1.206 ha đã mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất tăng 200-300 kg/ha, chi phí sản xuất giảm từ 3-3,5 triệu đồng/ha. Đặc biệt, sau khi triển khai gieo mạ khay, HTX nông nghiệp Phú Thắng đã làm chủ công nghệ sản xuất khay gieo mạ, giá thể, chuyển giao kỹ thuật làm mạ khay cấy máy cho các  địa phương khác, trở thành huyện đi đầu thành phố trong việc gieo mạ khay-cấy máy.

Với những kết quả này, trong thời gian tới huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung bền vững và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Tú Mai

Top