Quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống

10/06/2022 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Mạng lưới chợ truyền thống là kênh phân phối lâu đời và có vai trò quan trọng trong phát triển thương mại nội địa, là nơi trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ đầy đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống vẫn còn nhiều nỗi lo.

Quản lý kinh doanh, an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống - Ảnh 1.

Vẫn còn mối lo an toàn thực phẩm trong chợ truyền thống. Ảnh minh họa

Tình trạng bày bán sản phẩm không khoa học tại chợ truyền thống

Thói quen của nhiều người tiêu dùng là thường xuyên đi chợ truyền thống bởi cho rằng giá thành vừa rẻ và tiện đi lại hơn so với các siêu thị. 

Chị Phùng Thu Lan (Ngã Tư Sở, Đống Đa) chia sẻ: "Mặc dù quanh nhà có nhiều siêu thị nhưng hằng ngày tôi vẫn có thói quen đi chợ truyền thống. Bởi đi chợ sẽ tiện lợi hơn việc đi gửi xe xong vào siêu thị mua thực phẩm".

Khi được hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm, chị Lan cho biết, chị cũng lo về vấn đề này. Nhiều khi thấy thực phẩm tươi ngon thì mua chứ không rõ nguồn gốc. "Chủ yếu tôi đặt niềm tin vào người bán hàng quen mà thôi", chị Lan nói.

Một thực tế dễ nhận thấy tại các chợ truyền thống hiện nay, đó là tình trạng bày bán sản phẩm không khoa học. Đơn cử, các quán, hàng ăn vặt như bún đậu, xôi, chè... có thể xen lẫn với bất cứ gian hàng bày bán các loại hàng khác như quần áo hay đồ gia dụng.

Chưa kể, do thói quen đã hình thành từ lâu nên hầu hết người bán hàng đều không dùng găng tay nilon khi chế biến đồ ăn cho khách; hầu hết các hàng bán thực phẩm chín trong chợ không bảo đảm yêu cầu có tủ kính, có nắp che... 

Tình trạng gia cầm tươi sống được bày bán bên cạnh các gian hàng bán đồ ăn chín, đồ chế biến sẵn vẫn tồn tại, bất chấp các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 454 chợ, gồm 15 chợ hạng 1; 65 chợ hạng 2; 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Ngoài ra, có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam ở quận Hoàng Mai và chợ đầu mối Minh Khai ở quận Bắc Từ Liêm); 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán).

Thực phẩm tiêu thụ tại các chợ truyền thống chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau quả, ngũ cốc và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Cần giám sát chặt chẽ hơn

Nhằm giám sát chặt chẽ ATTP, đến nay đã có 310/454 chợ trên địa bàn Thành phố đã được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, 144 chợ chưa được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng. Có thể thấy, dù công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành tăng cường, song việc chấn chỉnh, khắc phục vi phạm vẫn cần tiếp tục được thực hiện nghiêm, hiệu quả hơn nữa thời gian tới...

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để kiểm soát tốt hơn hàng hóa tại các chợ truyền thống, Ban Quản lý chợ cần phối hợp đồng bộ với các ngành liên quan, giám sát chặt hàng hóa đưa vào chợ.

Đồng thời, yêu cầu tiểu thương ký cam kết và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, nhập lậu, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm nhãn mác hàng hóa, giá cả; chú trọng kiểm tra nơi tập trung nguồn hàng, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Trước thực trạng này, cũng là nhiệm vụ trọng tâm, mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND thực hiện Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025".

Mục tiêu 100% đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành Quy chế về quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 30% so với thời điểm trước khi thực hiện đề án.

Tối thiểu 100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại theo quy định tại đề án.

Đồng thời, rà soát, bố trí vị trí thuận lợi để lắp đặt nhà trạm phục vụ Tổ kiểm tra làm việc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh hằng ngày đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ; các đơn vị quản lý phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ và xử lý nghiêm các vi phạm…

Diệu Anh

Top