Quảng bá sản phẩm làng nghề qua ngày hội ‘Rộn ràng mua sắm’

28/12/2024 8:23 PM

(Chinhphu.vn) - Ngay ngày đầu hội chợ Xúc tiến tiêu dùng 2024 diễn ra đã có đông đảo người dân trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng như du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại Hội chợ “Rộn ràng mua sắm”. Qua đó góp phần quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Quảng bá sản phẩm làng nghề qua ngày hội ‘Rộn ràng mua sắm’- Ảnh 1.

Quảng bá sản phẩm làng nghề qua ngày hội ‘Rộn ràng mua sắm’. Ảnh: VGP/Bích Phương

Từ ngày 27-30/12/2024, tại Quảng trường vườn hoa Phùng Khắc Khoan (thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất), diễn ra hội chợ Xúc tiến tiêu dùng 2024 với chủ đề "Rộn ràng mua sắm".

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA), cho biết, sự kiện là dịp để tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời quảng bá nét đẹp truyền thống và bản sắc đa dạng của các vùng miền. Đồng thời, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương và các điểm đến du lịch của Thủ đô tới người dân và du khách, từng bước xây dựng thành sự kiện quảng bá thương mại kết hợp du lịch.

Hội chợ có quy mô 180 gian hàng bao gồm khu gian hàng và các không gian chung, giới thiệu sản phẩm với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu như thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, quà tặng, dệt may, phụ kiện… bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn, hiện toàn huyện có 50/59 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được tỉnh Hà Tây và TP. Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Toàn huyện hiện có 188 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, trong đó 68 sản phẩm đạt 3 sao, 120 sản phẩm đạt 4 sao; có 2.447 doanh nghiệp, 11.429 hộ sản xuất kinh doanh. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước đạt 88.409 tỷ đồng, bằng 109% Kế hoạch năm và tăng 15,3% so với năm 2023.

Tại hội chợ còn có không gian ẩm thực, trải nghiệm văn hóa với các hoạt động thưởng thức ẩm thực, trà đạo, trải nghiệm nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các mô hình tiểu cảnh trang trí sáng tạo, lấy cảm hứng từ sản phẩm nông nghiệp và văn hóa làng nghề của huyện Thạch Thất tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho sự kiện.

Quảng bá sản phẩm làng nghề qua ngày hội ‘Rộn ràng mua sắm’- Ảnh 2.

Người dân và du khách được chiêm ngưỡng các sản phẩm của các làng nghề mộc truyền thống. Ảnh: VGP/Bích Phương

Đến với Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng 2024 "Rộn ràng mua sắm", người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng các sản phẩm làng nghề nổi tiếng ở Thạch Thất như: Làng nghề mộc-may Hữu Bằng; làng nghề mây tre giang đan Phú Hòa; làng nghề mộc Canh Nậu, Di Nậu; làng nghề truyền thống mộc dân dụng Hương Ngải,… Đó còn là sản phẩm làng nghề quạt Chàng Sơn nổi tiếng hàng trăm năm nay tại Thủ đô với những chiếc quạt độc đáo với màu sắc bắt mắt, mẫu mã đa dạng, được làm từ các chất liệu như giấy, lụa, vải…

Sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở huyện Thạch Thất là sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề; là kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ. Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và ước mơ, khát vọng của người dân xứ Đoài từ xưa đến nay.

Vì vậy, ngay ngày đầu sự kiện diễn ra đã có đông đảo người dân trên địa bàn cũng như du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại Hội chợ "Rộn ràng mua sắm" huyện Thạch Thất.

Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng có tiềm năng, thế mạnh; đồng thời, giúp người dân tiếp cận được với những sản phẩm bảo đảm uy tín, chất lượng cao, là điểm đến cho du khách tham quan và mua sắm.

Thông qua Hội chợ cũng góp phần nâng cao nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng và thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời nhằm kích cầu thương mại, tiêu dùng và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, giúp người dân địa phương mua sắm chuẩn bị đón năm mới Ất Tỵ 2025 đang đến gần.

Bích Phương

Top