Quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, OCOP của Hà Nội

01/11/2023 8:33 AM

(Chinhphu.vn) - Câu chuyện tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp luôn là bài toán khó với nhiều địa phương cũng như những người làm nông nghiệp. Tuy nhiên, từ khi các nông sản của địa phương tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt chứng nhận từ 3-4 sao, người dân đã yên tâm sản xuất và không còn phải lo lắng nhiều về khâu tiêu thụ.

Quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, OCOP của Hà Nội - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua sắm tại Chương trình "Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội". Ảnh: VGP/DA

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Đàm Văn Đua, Hợp tác xã có tổng diện tích canh tác rau 200ha, trong đó có 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm; riêng vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 600 tấn/năm.

Từ lúc tham gia chương trình OCOP tới nay, Hợp tác xã đã có 18 sản phẩm được phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP. Trong đó, 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (sản phẩm củ cải). Từ khi sản phẩm củ cải được công nhận sản phẩm OCOP, đầu ra của sản phẩm ngày càng ổn định, giá trị của củ cải cũng được tăng lên trông thấy.

Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền đã đưa các sản phẩm rau sạch tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, nhiều sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã đã đạt chứng nhận 3 sao. Điều này đã giúp Hợp tác xã nâng cao uy tín, từ đó tạo động lực cho các thành viên có thêm động lực sản xuất rau an toàn và nâng cao thu nhập cho các xã viên.

Do đó, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ nỗ lực tiếp tục đưa các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, tiếp tục khẳng định thương hiệu rau Ba Chữ trên thị trường.

Hà Nội xác định để thực hiện thành công chương trình OCOP cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở và sự vào cuộc của toàn thể các tầng lớp nhân dân, do vậy công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân là giải pháp quan trọng. Trong đó, chú trọng truyền tải các cơ chế, chính sách của Nhà nước về chương trình OCOP; phổ biến các mô hình, cách làm hay của các tổ chức, cá nhân thực hiện thành công chương trình OCOP, góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, từ đó đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị.

Sản phẩm tham gia chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu.

Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP được Thành phố rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hàng năm. Điển hình như Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA).

Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hằng năm Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP trên địa bàn Thành phố cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương.

Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trưng bầy hàng hóa tại các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP TP. Hà Nội và được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để xuất khẩu.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả chương trình "Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội". Thông qua việc tổ chức hoạt động này, HPA đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã TP. Hà Nội và các tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Cũng về vấn đề này, UBND TP.  Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn TP. Hà Nội. Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ tài chính cho 5-10 dự án phát triển ngành nghề nông thôn…

Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm giúp việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP không còn là bài toán quá khó khăn nữa. Đồng thời, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò "đầu tàu" trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Diệu Anh

Top