Quyết liệt giải bài toán ‘ùn tắc’ giao thông

18/05/2022 11:02 AM

(Chinhphu.vn) - Để giải quyết các điểm, nút giao phức tạp, xử lý các “điểm nóng” ùn tắc, ngành giao thông Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

Quyết liệt giải bài toán ‘ùn tắc’ giao thông - Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông tại một tuyến phố chính ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Sẽ phải giải quyết 35 "điểm đen" ùn tắc

Thông tin về công tác xử lý các điểm ùn tắc giao thông, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, năm 2021 đơn vị này đã giải quyết được 10/37 điểm nhưng lại phát sinh thêm 8 điểm mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc năm 2022 sẽ phải giải quyết 35 điểm đen.

Trong khi đó, quý I/2022, Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới xử lý duy nhất 1 điểm ở ngã tư Linh Đường-Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) bằng việc lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, cải tạo vỉa hè, đồng thời di chuyển điểm dừng xe buýt và mở thông nút giao Hoàng Liệt - Giải Phóng.

Trong quý II, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục lên phương án xử lý thêm nhiều điểm "nóng" ùn tắc, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Theo đó, yêu cầu Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Ban Duy tu) triển khai ngay các kiến nghị về tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố theo đề xuất của Công an Thành phố và các quận, huyện. Trong đó, tập trung giải quyết các điểm "nóng" gây ùn tắc giao thông.

Cụ thể, tại đường Khương Đình đoạn từ Nguyễn Trãi đến Thượng Đình (Thanh Xuân) có chiều rộng hẹp, mặt đường 5,5m-6m, hai bên hầu hết không có hè, lề đường thường xuyên xảy ra ùn ứ. Để giải quyết tình trạng này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu Ban Duy tu bổ sung biển cấm dừng, cấm đỗ đầu đường Khương Đình giao với đường Nguyễn Trãi.

Tại nút giao thông Ngã Tư Sở thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội giao Ban Duy tu thực hiện kiểm đếm phương tiện trước khi có biện pháp xử lý cụ thể.

Hà Nội cũng sẽ tổ chức lại giao thông vực phía dưới cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ vốn thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm; tập trung xóa điểm nóng ùn tắc lại lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One; nút giao Bạch Mai - Trương Định; Đại La - Trần Đại Nghĩa, Đại La - Ngã tư Vọng - Giải Phóng; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; khu vực nút giao Quốc lộ 5 - đường vào nhà máy sữa Vinamilk...

Nỗ lực đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm

Để giải quyết các điểm, nút giao phức tạp, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố. Trong số này, đáng kể nhất là dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; hoàn thiện các lối lên xuống đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; dự án Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã tư Vọng.

Cùng với đó, xây dựng cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hầm chui Lê Văn Lương; xây dựng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; cải tạo, mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long từ cầu vượt Phú Đô đến Lê Trọng Tấn...

Về lâu dài, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông - vận tải hành khách công cộng và triển khai chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Các chuyên gia giao thông nhận định, hằng năm Hà Nội đề ra mục tiêu xóa từ 8 đến 10 điểm đen ùn tắc giao thông và giảm từ 5%-10% tai nạn giao thông trên địa bàn. Trên cơ sở khảo sát của liên ngành Công an và Sở Giao thông vận tải và đề xuất của các quận chọn những điểm nguy cơ nhất thì làm trước.

Do đó, phải quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đô, phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe máy. Cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ xe buýt trong định hướng phát triển giao thông công cộng. Bởi, chừng nào giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì chừng ấy người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông chưa thể giảm.

Khi vận tải công cộng đã phát triển đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vẫn cần phải có thêm các giải pháp đồng bộ khác đi kèm, như vậy mới có thể cải thiện ùn tắc, tiến tới giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững…

Bích Phương

Top