Quyết tâm làm sạch sông Tô Lịch, quản lý rác thải rắn theo hướng tuần hoàn
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội luôn được chú trọng. Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ môi trường, Thủ đô Hà Nội cần sớm làm sạch sông Tô Lịch, quản lý rác thải rắn theo hướng tuần hoàn.
Cần tập trung nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân Thủ đô
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội - Uỷ viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội cần chọn các vấn đề nóng, ưu tiên thực hiện trước, không dàn trải để tập trung nhân lực, nguồn lực giải quyết từng vấn đề. Câu chuyện với sông Tô Lịch mà thành phố Hà Nội đã và đang lựa chọn, thực hiện trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.
Cùng với đó, Hà Nội cần tập trung nâng cao nhận thức về môi trường cho các chuyên gia, người làm chuyên môn và đặc biệt là người dân Thủ đô. Cần minh bạch phương án, kinh phí, đơn vị thực hiện… để các nhà khoa học, giới chuyên môn giám sát, phản biện. Làm rõ công tác quản lý, phân cấp quản lý sông Tô Lịch sau tiến hành cải tạo, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ phương án… để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Bởi, sông Tô Lịch không của riêng ai, nó là của chung Nhân dân Thủ đô, gắn liền với cả quá trình phát triển của Thủ đô.
Đối với công tác quản lý chất thải rắn đô thị, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Hà Nội nói riêng và các đô thị trên cả nước nói chung cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, các địa phương cần sớm xây dựng, triển khai đề án, kế hoạch phân loại tại nguồn; hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Đầu tư hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý tái chế chất thải rắn sinh hoạt, đồng bộ, hiện đại theo hướng tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Bảo vệ môi trường Quốc gia; thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp Quốc gia, cấp vùng...
Bên cạnh đó, ban hành các tiêu chí phân loại xanh để thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu xanh; cải cách thủ tục hành chính trong tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp; thu hút khu vực tư nhân trong đầu tư và hợp tác để cải thiện hạ tầng quản lý chất thải. Đối với chất thải nhựa, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về thuế, phí và xử lý vi phạm liên quan đến chất thải nhựa.
Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại hàng hóa chứa vi nhựa, nano nhựa, túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Hoàn thiện các quy định kỹ thuật để gắn nhãn sinh thái đối với các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý tái chế chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là về phân loại tại nguồn. Xây dựng và tổ chức thực hiện, nhân rộng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh; hướng dẫn các mô hình xử lý tái chế chất thải rắn sinh hoạt, tại đô thị, nông thôn.
Kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ lại xanh, sạch như hồi năm 1935
Tại diễn đàn Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững được tổ chức mới đây, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chia sẻ: lãnh đạo Hà Nội đã có những hành động rất quyết tâm về bảo vệ môi trường, trong đó có việc làm sạch sông Tô Lịch. Hy vọng đến năm 2035, sông Tô Lịch sẽ lại xanh, sạch như hồi năm 1935. Có thể với nhiều người đây là những suy nghĩ viển vông, nhưng với những gì mà Hà Nội đã thực hiện trong thời gian qua thì bản thân ông và rất nhiều chuyên gia, người dân có thể kỳ vọng.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, phát triển đô thị xanh cần được nhìn nhận dưới góc độ riêng của từng đô thị, và Hà Nội cũng như vậy. Thời gian qua, mặc dù Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp nhằm bảo đảm môi trường tại Thủ đô, nhưng có thể nói những biện pháp đó vẫn chưa đủ để xây dựng và phát triển đô thị xanh theo hướng bên vững.
Do đó, cần xác định rõ các mục tiêu phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững phù hợp với từng quận, huyện. Cụ thể, tại các huyện xa trung tâm – khu vực nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều nông nghiệp thì giao thông không phải là vấn đề trong công tác xanh hoá đô thị, vấn đề của họ là tình trạng đốt rơm.
Ngoài ra, Hà Nội cần tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, công tác thu gom rác thải; cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về công tác đẩy mạnh cơ giới hoá, điều chỉnh đơn giá, định mức thu gom vệ sinh môi trường theo cơ chế thị trường để đảm bảo hoạt động sản xuất, đời sống của những công nhân vệ sinh môi trường; Cần công khai các thông tin, chỉ số về chất lượng môi trường, chất lượng không khí… đề người dân cùng nắm được, từ đó có trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo môi trường.
Kiên quyết trong việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm sông Tô Lịch
Mới đây, người đứng đầu Đảng bộ TP. Hà Nội, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đã thể hiện sự kiên quyết trong việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm sông Tô Lịch, sớm đưa con sông trở lại trong sạch vào dịp 2/9/2025, khiến người dân không giấu được vui mừng.
Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Dòng sông này luôn gắn bó với đời sống cư dân nội thành, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa.
Đáng tiếc, trong vài thập niên gần đây, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho diện tích sông bị thu hẹp, nhiều đoạn hành lang bảo vệ bị lấn chiếm, tập kết rác và xả nước thải bừa bãi, đã khiến chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.
Để ngăn chặn sự ô nhiễm không dừng ấy của sông Tô Lịch cũng như các con sông nội đô khác, TP. Hà Nội đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp để làm sạch hệ thống sông. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng. Dấu ấn rõ nét là năm 2013, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm đã được TP Hà Nội đưa vào vận hành, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu.
Cùng đó, nhiều dự án cũng được TP. Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm.
Đó là một số dẫn dụ nổi bật cho thấy, trong những năm qua, TP. Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để hồi sinh các dòng sông "chết" qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, Kim Ngưu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp này rõ ràng vẫn chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là với sông Tô Lịch.
Vì thế, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày đêm), sau thời gian dài chậm tiến độ, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP. Hà Nội thời gian gần đây, đã hoàn thành và bắt đầu vận hành thử nghiệm vào tháng cuối cùng của năm 2024. Đây thực sự là động lực lớn để lộ trình cải tạo môi trường nước sông Tô Lịch, mà cụ thể là đẩy nhanh triển khai dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch với ngày về đích 2/9/2025.
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, về việc làm ống ngầm dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch, Sở Xây dựng đã tính toán các phương án. Theo đó, phương án tốt nhất hiện nay để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch là lấy nước từ sông Hồng đưa vào ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm qua đường Âu Cơ.
Trước đó, ngày 1/12, Hà Nội đã đưa vào vận hành gói thầu số 1, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m³/ngày đêm.
Hiện Hà Nội đã thu gom nước thải ở các cổng xả thải dọc sông Tô Lịch để chuyển về nhà máy xử lý. Sau khi đưa vào vận hành thử nghiệm, dự kiến phát sinh khoảng 200 tấn bùn thải/ngày.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ lập báo cáo dự án xử lý, tái chế bùn thải thoát nước đặt ở huyện Thường Tín. Mục tiêu của dự án trên là để xử lý từ 1.500 tấn, sau đó nâng công suất lên là 3.000 tấn bùn thải/ngày đêm. Bùn thải sau xử lý sẽ được vào tái sử dụng tại các nhà máy làm xi măng, hoặc để trồng cây…
Thùy Chi