Ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn

06/10/2022 2:31 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 6/10, LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. Đây là mô hình hoạt động mới, nhằm tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên Công đoàn và người lao động...

Ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn - Ảnh 1.

Đại diện Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội trao Quyết định thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. Ảnh: LĐLĐ TP

Tới dự Lễ ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội có các đồng chí: Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam); Nguyễn Minh Long, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội. Về phía LĐLĐ thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Phi Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội… và đại diện các sở, ban ngành Thành phố.

Báo cáo kết quả hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội và quá trình xây dựng Đề án phát triển thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội, đồng chí Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, từ khi thành lập tới nay, hoạt động của Trung tâm đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Điển hình như Trung tâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan và các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho đoàn viên, người lao động ngay tại cơ sở. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện tốt việc tư vấn pháp luật cho người lao động tại trụ sở với nhiều hình thức đa dạng (như tư vấn trực tiếp, tư vấn qua hộp thư điện tử, điện thoại…). Trung tâm cũng phối hợp tư vấn giải quyết các tranh chấp lao động tại cơ sở; tư vấn tham gia xây dựng nội quy lao động đối với đơn vị doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở; xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở; hỗ trợ tổ chức 25 cuộc đối thoại giữa Công đoàn, công nhân lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp về những quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Đặc biệt, thời gian qua, Trung tâm đã nỗ lực và bước đầu thực hiện tốt việc hỗ trợ pháp lý, đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án. Theo đó, Trung tâm đã đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 38 người lao động về đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và bồi thường tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền bồi thường 1,45 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Đình Hùng, những yêu cầu khách quan trong tình hình mới cũng đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ, bứt phá trong hoạt động Công đoàn, trong đó có vấn đề tư vấn pháp luật. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực thi hàng loạt Hiệp định tự do thế hệ mới, một trong những thách thức mà tổ chức Công đoàn phải đối mặt là sự xuất hiện cạnh tranh của tổ chức đại diện người lao động khác sẽ được thành lập trong doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi Công đoàn các cấp phải đổi mới, hướng vào việc thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 2,5 triệu lao động thuộc các thành phần kinh tế. Tính riêng trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có khoảng 170.000 lao động, chủ yếu là lực lượng lao động ngoại tỉnh. Vấn đề an ninh trật tự, nhà ở, nhà trẻ, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ công nhân lao động là nhu cầu đòi hỏi bức thiết của người lao động.

Thực trạng trên đặt ra cho tổ chức Công đoàn thành phố cần có giải pháp đáp ứng những nhu cầu đó của đoàn viên, người lao động một cách cụ thể, thiết thực trong đó có tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý…

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới; dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội, thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội.

Tại Lễ ra mắt, đồng chí Lê Xuân Trường, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ thành phố Hà Nội đã công bố Quyết định số 3548-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về việc đổi tên Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ và đổi tên Trung tâm Tư vấn pháp luật Công doàn Hà Nội thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội, trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội kể từ ngày 1/9/2022.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng, trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang ký kết, thực hiện. Dự báo tương lai gần sẽ xuất hiện tổ chức đại diện người lao động khác, cạnh tranh trực tiếp với tổ chức Công đoàn Việt Nam… Vì vậy, việc phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội nhằm khắc phục những điểm còn thiếu, khuyết của tổ chức Công đoàn hiện nay, hướng hoạt động của các cấp Công đoàn ngày càng sát hơn với nhu cầu của số đông đoàn viên, người lao động. Tạo bước chuyển biến mạnh về hoạt động tư vấn và hỗ trợ công nhân lao động trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động trên địa bàn Hà Nội. Theo đồng chí Phan Văn Anh, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội là mô hình hoạt động không chỉ mới với LĐLĐ thành phố Hà Nội mà còn với cả tổ chức Công đoàn. Vì thế, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị LĐLĐ Thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn triển khai một số nhiệm vụ để Trung tâm hoạt động có hiệu quả.

Ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn - Ảnh 2.

LĐLĐ Thành phố cũng trao 30 suất quà (trị giá 1 triệu đồng/suất, và quà trị giá 350 nghìn đồng/suất) cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: LĐLĐ TP

Tại chương trình, đồng chí Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã nêu những khó khăn, thách thức mà tổ chức Công đoàn phải đối mặt trong điều kiện Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, thực thi hàng loạt các cam kết quốc tế; nhất là việc tổ chức Công đoàn sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện cho người lao động khác tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội nhằm khắc phục những điểm còn thiếu, khuyết của tổ chức Công đoàn hiện nay. Đồng thời hướng hoạt động của các cấp Công đoàn ngày càng sát hơn với nhu cầu của đông đảo đoàn viên, người lao động, tạo bước chuyển biến mạnh về hoạt động tư vấn pháp luật và hỗ trợ công nhân lao động trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường cho biết, đây là mô hình mới, sẽ có những khó khăn trong hoạt động, vì vậy Ban Lãnh đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, chủ động và năng động sáng tạo trong triển khai các nội dung hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Đề nghị các cấp Công đoàn thành phố cần phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Trung tâm trong quá trình tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Nhân dịp này, LĐLĐ Thành phố trao sổ tiết kiệm hỗ trợ cho 2 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn (mỗi sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng). Đồng thời trao 30 suất quà (trị giá 1 triệu đồng/suất, và quà trị giá 350 nghìn đồng/suất) cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức khám sức khỏe cho 100 công nhân lao động.

Thiện Tâm

Top