Rà soát quy hoạch mạng lưới trường học

30/11/2017 11:32 AM

(Chinhphu.vn) - Sau 5 năm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học, Hà Nội đã tăng 250 trường, tuy nhiên do dân số tăng nhanh, khu vực nội đô đang quá tải trường học, vì vậy ngành GD&ĐT Hà Nội đang rà soát để điều quy hoạch chỉnh mạng lưới các trường trên địa bàn.

Hiện nay, việc rà soát để điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang được Sở GD&ĐT Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng (QHXD) Hà Nội phối hợp thực hiện. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, Sở đã tiến hành khảo sát và làm việc với 30 quận, huyện thị xã về hiện trạng mạng lưới trường học, đồng thời tổng hợp các đề xuất liên quan đến nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây trường mới của các địa phương.

Viện QHXD Hà Nội đã phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu các nội dung điều chỉnh quy hoạch, trong đó tập trung vào đánh giá đặc điểm tình hình kinh tế-xã hội, đô thị tác động đến mạng lưới trường học trên địa bàn; đánh giá hiện trạng thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học; đưa ra các dự báo phát triển có ảnh hưởng đến quy hoạch và xác định các vị trí, địa điểm, quy mô bố trí mạng lưới trường học các cấp trên địa bàn.

Tại hội thảo điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch mạng lưới trường học TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, KTS Nguyễn Hoài Đức, Viện QHXH Hà Nội cho biết, sau 5 năm thực hiện quy hoạch, Hà Nội có 2.669 trường học, trên 52 nghìn nhóm lớp, trên 1,8 triệu học sinh, trên 104 nghìn giáo viên, trên 47 nghìn phòng học. So với 5 năm trước, mạng lưới trường tăng 250 trường, tăng 538 trường chuẩn quốc gia, tăng trên 10 nghìn nhóm lớp, tăng trên 8.500 phòng học

Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh, tốc độ đô thị hoá ở một số khu vực nội đô gây quá tải cho các trường. Theo KTS Nguyễn Hoài Đức, quá trình đô thị hoá với gần 600 dự án đô thị đã tác động vào việc cần điều chỉnh quy hoạch trường học. Qua thực trạng rà soát cho thấy, một số khu vực đã quá tải học sinh, vượt qua quy hoạch giai đoạn trước, không bảo đảm sĩ số lớp/học sinh. Đây là các khu đô thị mới xây dựng với mật độ cao nên việc đầu tư trường ở khu vực này không đáp ứng được nhu cầu. Hà Nội hiện nay cũng thêm nhiều quận mới trên cơ sở tách địa giới hành chính dẫn đến cấu trúc quy hoạch mạng lưới trước đây cần có sự thay đổi. Ngoài ra, Thành phố  hiện hình thành nhiều cụm dân cứ lớn như Times City hoặc các khu vực chuyển đổi quy đất thành các khu dân cư tác động đến việc cần điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học.

KTS Nguyễn Hoài Đức nêu ví dụ, khu vực phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy là khu vực điển hình phát triển đô thị trong thời gian qua, tại đây gồm nhiều khu đô thị mới như: Vinaconex, Nam Trung Yên, Trung Hoà Nhân Chính... hiện dân số đã vượt trên 13 nghìn người. Do mật độ khu đô thị mật độ cao dẫn đến quá tải nhu cầu học sinh vào học quá tải tại các trường trong cụm dân cư này.

Tại quận Hà Đông, đây là quận có tốc độ phát triển lớn, mỗi phường có đặc thù khác nhau, qua quá trình rà soát cho thấy số trường học nhiều địa bàn không bảo đảm, vì vậy quận xác định sẽ đầu tư 149 trường học. Hiện quận đang đầu tư 31 trường, đến năm 2018 đưa vào hoạt động 21 trường. Tại quận Bắc Từ Liêm, quận đề nghị Thành phố bổ sung quy hoạch quy định liên quan quy hoạch các khu đô thị, cụ thể các khu đô thị có dân số từ 10 nghìn dân trở lên phải có tối thiểu có trường tiểu học. Nhiều địa phương cũng kiến nghị Sở GD&ĐT trình Thành phố xin chủ trương nâng cao số tầng khi sửa chữa, xây mới trường học do quỹ đất hạn hẹp.

Theo dự báo của Sở GD&ĐT, đến năm 2020 dự kiến số trường học tăng lên gần 3 nghìn trường, nhóm lớp tăng lên trên 56 nghìn nhóm lớp và trên 2 triệu học sinh. Đến năm 2030, dự kiến có gần 3.400 trường học, trên 64 nghìn nhóm lớp và gần 2,3 triệu học sinh. Nguyên nhân tác động đến là cần phát triển mạng lưới trường học, quan trọng nhất là tình hình phát triển đô thị, sự hình thành của 5 đô thị vệ tinh đã được phê duyệt tạo nên các cực phát triển đô thị, giảm bớt sự quá tải đô thị trung tâm về cơ sở hạ tầng; ngoài ra là các khu đô thị tập trung ở khu vực phía Tây, khu vực Bắc sông Hồng phát triển tạo ra các khu vực tập trung đông dân cư.

Mục tiêu Sở GD&ĐT đặt ra là tiếp tục xác định và bố trí quỹ đất, cân đối quỹ đất cho trường học tại khu vực có dân cư cao. Về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến 2020, tầm nhìn 2030, ở cấp mầm non đặt mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trường, 95% trẻ đi học mẫu giáo và 35% số cháu đi nhà trẻ.  Ở cấp tiểu học mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có 1 trường, cơ sở vật chất riêng, kiên cố. Cấp THCS mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kiên cố. Còn ở cấp THPT mục tiêu bảo đảm 3-5 vạn dân có 1 trường. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong tháng 12/2017, Sở sẽ trình UBND TP. Hà Nội xem xét về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Hòa An

Top