Rực rỡ sắc màu văn hóa hoa ban giữa lòng Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Tháng 3, những tán hoa ban trắng muốt và tím hồng bung nở khắp núi rừng Tây Bắc, mang theo hơi thở đại ngàn về với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nhóm đồng bào Thái (Sơn La) uyển chuyển trong điệu múa chiếc khăn Piêu tái hiện vẻ đẹp tinh tế của những đường dệt truyền thống, nơi từng sợi chỉ kết nên bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Trong không gian đậm chất vùng cao ấy, các cộng đồng dân tộc Mường, Thái, Khơ Mú (tỉnh Hòa Bình, Sơn La) đang kể câu chuyện văn hóa của mình bằng những điệu múa, làn điệu dân ca và thanh âm nhạc cụ truyền thống. Chương trình "Mùa hoa ban nở" không chỉ là lời chào đón sắc ban mà còn tôn vinh nét đẹp văn hóa gắn bó bao đời với đồng bào nơi đây.
"Với người phụ nữ Thái, thổ cẩm không chỉ là trang phục, mà còn là tâm hồn, là câu chuyện được dệt nên từ những sợi chỉ mảnh mai", chị Cà Thị Tâm - nghệ nhân đến từ Sơn La vừa giới thiệu vừa nhẹ nhàng nâng tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu trên tay.
Tiết mục múa Bức tranh thổ cẩm mở ra khung cảnh người con gái Thái miệt mài bên khung cửi, đôi bàn tay khéo léo tạo nên từng hoa văn tinh tế. Mỗi đường nét trên thổ cẩm đều gắn liền với thiên nhiên và đời sống tinh thần của đồng bào, đó có thể là dòng suối chảy róc rách, núi non trùng điệp hay những câu chuyện truyền đời qua bao thế hệ.
Không chỉ có thổ cẩm, trong đời sống của người Thái, chiếc khăn Piêu cũng là biểu tượng văn hóa thiêng liêng. Điệu múa Khăn Piêu tình em uyển chuyển, dịu dàng như chính những cô gái Tây Bắc. Khăn Piêu không chỉ là vật trang sức mà còn gói ghém tình cảm, lời nhắn gửi của người con gái Thái đến người thương. Chàng trai nhận khăn Piêu cũng chính là nhận lời hẹn ước trăm năm.

Điệu múa "Au eo" của đồng bào Khơ Mú vang lên giữa không gian văn hóa Tây Bắc, từng động tác mềm mại, dứt khoát như thổi hồn vào những ngày mùa no ấm, gắn kết con người với thiên nhiên - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Với người Khơ Mú, niềm vui sau một mùa màng bội thu không thể thiếu điệu múa Au eo. Trong tiếng chiêng trống dồn dập, các nghệ nhân hòa mình vào điệu múa mô phỏng những công việc lao động thường ngày như gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, giặt giũ… Các động tác dứt khoát mà uyển chuyển, khiến người xem cảm nhận rõ tinh thần lạc quan, yêu đời của đồng bào nơi núi rừng Tây Bắc.
Đặc biệt, một nét độc đáo trong văn hóa Khơ Mú chính là nhạc cụ đao đao. Vốn chỉ là một dụng cụ lao động nhỏ bé làm từ ống nứa, nhưng qua bàn tay tài hoa của người Khơ Mú, đao đao đã trở thành nhạc cụ độc đáo. Tiếng đao đao khi trầm, khi bổng, vang lên giữa không gian đại ngàn, như kể lại câu chuyện về hành trình sáng tạo và thích nghi của con người với thiên nhiên.
"Muốn hiểu văn hóa Mường, hãy nghe tiếng chiêng, xem mo Mường và hòa mình vào các lễ hội bản làng", bà Bùi Thị Huân - Trưởng nhóm đồng bào Mường đến từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tự hào chia sẻ.

Âm vang cồng chiêng hòa cùng vũ điệu "Vui hội xứ Mường", nhóm nghệ nhân Mường (Hòa Bình) mang đến sắc màu lễ hội rộn ràng, tái hiện đời sống văn hóa phong phú của miền đất "Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động" - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Tiết mục Vui hội xứ Mường tái hiện không khí rộn ràng của những ngày lễ hội. Trang phục váy áo sặc sỡ, những động tác múa nhịp nhàng theo điệu chiêng Mường khiến du khách như lạc vào một lễ hội thực thụ của người Mường. Đây cũng là dịp để đồng bào giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của mình với du khách bốn phương.
Không chỉ có chiêng Mường, người Mường còn sở hữu kho tàng văn hóa đồ sộ với mo Mường, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước, những câu hát ru, điệu hò đối đáp đậm chất núi rừng. Tất cả những di sản ấy vẫn đang được cộng đồng người Mường bảo tồn và giới thiệu hàng ngày tại "Ngôi nhà chung" của 54 dân tộc Việt Nam.
Khi những cánh hoa ban rực rỡ khoe sắc trên nền trời xanh thẳm, cũng là lúc văn hóa Tây Bắc bừng sáng giữa lòng Hà Nội. Trong từng điệu múa, từng thanh âm nhạc cụ và từng tấm thổ cẩm rực rỡ, hình ảnh con người Tây Bắc hiện lên vừa mộc mạc, vừa kiêu hãnh.
Chương trình Mùa hoa ban nở không chỉ đơn thuần là một hoạt động nghệ thuật mà còn là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, giúp du khách thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống. Để rồi, khi rời khỏi "Ngôi nhà chung", mỗi người đều mang theo một chút sắc ban, một chút hồn Tây Bắc trong tim.
Văn Hiền