Sắc màu rực rỡ từ ‘những mảnh vụn’ cuộc đời

18/04/2023 5:25 PM

(Chinhphu.vn) - Được thực hiện bằng phương pháp thủ công, những mảnh vải vụn vốn tưởng chỉ đợi gom bỏ đi, nay lại được tái sinh dưới hình hài mới tạo nên những sản phẩm "Tranh ghép vải" sống động và rực rỡ sắc màu.

Sắc màu rực rỡ từ ‘những mảnh vụn’ cuộc đời - Ảnh 1.

Khách tham quan vô cùng thích thú với những bức tranh ghép vải lụa sinh động, đầy màu sắc tại triển lãm. Ảnh: VGP/Minh Ngọc.

Hướng tới những hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam, với mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực sống, vượt khó, vươn lên của những người khuyết tật, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hợp tác xã Vụn Art tổ chức Triển lãm "Những mảnh vụn" vào chiều ngày 18/4/2023.

Biến vải vụn thành tác phẩm nghệ thuật

Tận dụng các nguyên liệu thừa từ những mảnh lụa, triển lãm trưng bày và giới thiệu gần 40 bức tranh và nhiều sản phẩm thủ công ứng dụng cùng các hoạt động trình diễn và trải nghiệm tương tác phục vụ khách tham quan. Thông qua các tác phẩm, đó không chỉ là những câu chuyện xúc động về sáng tạo nghệ thuật từ những con người bị khiếm khuyết về thể xác, mà còn là những câu chuyện riêng biệt về từng người thợ - nghệ sĩ.

Tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật mới, đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng, con mắt nghệ thuật đầy tinh tế và khả năng phối hợp ngẫu hứng với những mảnh lụa nhiều màu sắc. Các bức tranh của Vụn Art được chuyển thể từ nhiều thể loại tranh: Tranh dân gian Việt Nam, tranh đồng quê, tranh danh lam thắng cảnh, chân dung danh nhân và tranh của các họa sỹ nổi tiếng.

Sắc màu rực rỡ từ ‘những mảnh vụn’ cuộc đời - Ảnh 2.

“Những mảnh vụn” lụa qua tay người thợ Vụn Art như được thổi hồn trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Ảnh: VGP/Minh Ngọc.

Được biết, để tạo ra một bức tranh ghép vải phải trải qua nhiều công đoạn. Các công đoạn này chủ yếu được làm thủ công. Đầu tiên là phác thảo tranh trên bìa cứng để định hình rồi cắt rời chi tiết. Vải vụn chuẩn bị trước đó phải được làm sạch sẽ rồi là cho phẳng. Để đảm bảo độ cứng cáp cho miếng vải cũng như bền màu sau này, những mảnh vải vụn sẽ được tráng hoặc phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô.

Đặc biệt, công chúng còn được trải qua nhiều cảm xúc thú vị khi được tự tay mình trải nghiệm làm sản phẩm; được ngắm nhìn những sản phẩm thủ công đẹp mắt; được nghe những câu chuyện truyền cảm hứng và được gặp những con người vượt lên nghịch cảnh.

Sắc màu rực rỡ từ ‘những mảnh vụn’ cuộc đời - Ảnh 3.

Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ khuyết tật tại Vụn Art. Ảnh: VGP/Minh Ngọc.

Không chỉ nhằm mục đích tạo ra việc làm phù hợp với sức khỏe của những người lao động khuyết tật mà Vụn Art còn tận dụng vải vụn để tạo ra các sản phẩm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí tài nguyên xã hội. Những mảnh vải vụn vốn tưởng chỉ đợi gom bỏ đi, nay lại được tái sinh dưới hình hài mới tạo nên những sản phẩm rực rỡ sắc màu, sống động và giàu tính dân gian nhưng vương vấn hơi thở của cuộc sống đương đại.

Kết nối những "mảnh vụn" cuộc đời

Với mong muốn xây dựng một cơ sở để hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh giống mình, năm 2018, anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội) cùng họa sĩ Nguyễn Văn Trường, Lê Quốc Vinh sáng lập Hợp tác xã Vụn Art với mục đích dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người yếu thế, trong đó có người khuyết tật.

Sắc màu rực rỡ từ ‘những mảnh vụn’ cuộc đời - Ảnh 4.

Anh Lê Việt Cường - người sáng lập Hợp tác xã Vụn Art, nơi dạy nghề, tạo việc làm, mái nhà thứ hai cho người yếu thế. Ảnh: VGP/Minh Ngọc.

Được biết, anh Cường không may mắn đã bị mắc bệnh bại liệt từ nhỏ. Việc đi lại khó khăn chính là rào cản rất lớn để anh hòa nhập với cộng đồng. Hơn ai hết anh hiểu được sự khó khăn của người khuyết tật trong việc có thể sống tự lập, tự tin bằng chính khả năng và sức lao động của bản thân. Vì vậy, để người khuyết tật cảm thấy họ không đáng thương hay là gánh nặng, Vụn Art đã trao cho họ quyền được lao động, được cống hiến cho xã hội từ những điều nhỏ nhất.

"Trải qua 6 năm phát triển, chúng tôi đã mang lại việc làm cũng như cơ hội lao động cho 32 lao động tại Vụn Art. Chúng tôi luôn hướng tới phát triển bền vững trong tương lai, đồng thời mô hình sản xuất tranh ghép vải lụa sẽ được nhân rộng hơn, không chỉ là công việc dành riêng cho người khuyết tật", anh Lê Việt Cường chia sẻ.

Là một trong những "thợ cứng" tại Vụn Art, chị Nguyễn Thùy Linh (Vạn Phúc, Hà Đông) giờ đây đã có một mức thu nhập ổn định để chăm lo cho bản thân và con nhỏ - điều mà trước đây chị chưa từng nghĩ tới. Không may mắn phát biện mình mắc một căn bệnh về xương, đã có thời gian chị Linh buồn chán và bế tắc vì không thể đi lại, thậm chí phải nằm liệt giường. Giờ đây, không ai còn thấy Linh của những ngày đầu rụt rè, chập chững mà thay vào đó là một cô gái tự tin, xinh đẹp.

"Sau thời gian làm việc tại Vụn, mình như tìm lại được niềm vui trong cuộc sống bởi mình thấy được rằng bản thân không hề vô dụng khi vẫn có thể lao động, sáng tạo. Sau thời gian được mọi người giúp đỡ và nỗ lực từ chính bản thân, mình đã có thể tự tin làm những bức tranh khó, lan tỏa sự giúp đỡ và động lực trong cuộc sống với những bạn mới vào nghề", Linh chia sẻ.

Với ý nghĩa, không một mảnh vải nào thừa, không một "mảnh vụn" nào của cuộc đời lại vô ích, Hợp tác xã Vụn Art cũng như Triển lãm "Những mảnh vụn" đã thực sự trở thành nơi gieo mầm ước mơ và kết nối những người không may mắn lại với nhau. Triển lãm được kéo dài đến 10/2023 tại Bảo tàng Hà Nội để phục vụ khách đến tham quan và trải nghiệm.

Minh Ngọc

 

Top