Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Đổi mới để hội nhập
(Chinhphu.vn) - Để “chắp cánh” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ vươn xa, các làng nghề truyền thống của Thủ đô cần chú trọng đổi mới thiết kế mẫu mã, tích cực quảng bá sản phẩm… nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng trong nước và hội nhập quốc tế.
Khích lệ tính sáng tạo của các nghệ nhân
Được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 10/2022, cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2022" với chủ đề "Hội tụ tinh hoa sản phẩm nghề truyền thống Thủ đô" thu hút được trên 300 mẫu sản phẩm mới tham dự.
Là một trong những nghệ nhân đã tham dự các cuộc thi do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) tổ chức, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, đến với cuộc thi năm nay, sản phẩm của tôi chế tác lại các sản phẩm có từ những năm 1930, bởi theo ông, bên cạnh những dòng sản phẩm mới, việc làm lại các dòng sản phẩm đã có từ lâu đời cũng rất đáng quý.
Đã từng nhận giải 3 và giải khuyến khích từ cuộc thi những năm trước, ông Hà chia sẻ, các sản phẩm đạt giải có sức hút lớn tại thị trường tiêu thụ, được khách hàng ưa chuộng, tin dùng và lựa chọn. Đây cũng là cuộc thi mà những nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề trong Hà Nội như ông chờ đợi nhất trong năm. Bởi lẽ, cuộc thi đã khích lệ tính sáng tạo của các nghệ nhân, đồng thời lôi cuốn được phong trào sáng tác, đa dạng mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho các làng nghề Hà Nội.
Tham dự cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2022", nghệ nhân Vũ Huy Mến, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã mang đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời đưa được hình ảnh, chất liệu sơn mài và văn hóa của Việt Nam vào sản phẩm với mong muốn để bạn bè thế giới có thể biết đến nhiều hơn Việt Nam.
Theo nghệ nhân Vũ Huy Mến, các cuộc thi như này rất có lợi cho sản xuất, giúp những người thợ thủ công, nghệ nhân sáng tác ra nhiều sản phẩm đa dạng và mới. Nhất là những năm gần đây, cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của nhiều nghệ nhân do cơ cấu chấm giải thưởng có sự đổi mới, thích ứng được với từng ngành nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ. Về cơ cấu giải thưởng, tuy giá trị không cao nhưng đây là nguồn động viên tinh thần, công sức lao động của các nghệ nhân.
Đặc biệt, các sản phẩm tham gia cuộc thi được hỗ trợ thiết kế, tư vấn về kỹ thuật, giúp cho những người thợ nghệ nhân nâng cao thẩm mỹ cũng như ứng dụng được kiến thức của thế giới, từ đó tạo ra các sản phẩm phong phú hơn.
Cần hiểu rõ thị trường xuất khẩu
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, thị trường mà các nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ hướng đến đó là xuất khẩu. Bởi lẽ, việc này đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho những người thợ và cả quốc gia.
Nghệ nhân Vũ Huy Mến cho hay, mong muốn của chúng tôi là đưa được nhiều hơn các sản phẩm ra nước ngoài. Do đó, chúng tôi mong rằng các chương trình xúc tiến thương mại bên cạnh việc tổ chức thường niên nhưng cần có sự đổi mới, mở rộng và hiệu quả hơn để những người nghệ nhân làng nghề có thể quảng bá sản phẩm rộng rãi đến thị trường trong và ngoài nước.
Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều cho rằng, hiện nay các nghệ nhân tham gia rất nhiệt tình vào các cuộc thi thiết kế mẫu và thể hiện được khả năng sáng tạo cũng như tay nghề của họ rất tốt. Tuy nhiên, có một nhược điểm, đó là họ chưa bám sát thị trường. Nhiều nghệ nhân sáng tác dựa trên thế mạnh và sở trường chứ chưa nghĩ tới việc sản phẩm này bán ở những thị trường nào và dự định bán với giá cả bao nhiêu.
Nếu so sánh với các địa phương khác, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội thuộc hàng đầu trong cả nước không những về số lượng, về số ngành nghề mà còn cả về chất lượng của sản phẩm. Nhưng nếu so với sản phẩm của các nước thì sản phẩm của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn yếu thế hơn họ. Bởi lẽ, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… họ "bám" vào thị trường tốt hơn. Do đó, nếu các nghệ nhân có ý thức tìm hiểu sâu hơn về thị trường thì chắc chắn sản phẩm của họ sẽ rất hiệu quả.
"Nhiều nghệ nhân sáng tạo ra sản phẩm nhưng họ không hiểu thị trường, không biết sản phẩm đó khách hàng mua và dùng vào việc gì, do đó, các nghệ nhân không hoàn thiện được sản phẩm theo mong muốn của khách", ông Vũ Huy Thiều nói.
Tuy nhiên, theo ông Thiều, rất cần vai trò cầu nối của cơ quan quản lý nhà nước giúp các nghệ nhân tiếp cận, nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Các chuyên gia nhận định, việc sáng tạo ra sản phẩm mới đã khó, nhưng để các sản phẩm của các nghệ nhân có chỗ đứng vững chắc trên thị trường chắc chắn chúng ta không chỉ dừng ở các cuộc thi mà cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm….
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, để nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Sở đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn, tư vấn cho các nghệ nhân cũng như các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. Qua đó, Sở Công Thương kỳ vọng các nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có những mẫu sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, góp phần đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
"Việc thay đổi, cải tiến mẫu mã sản phẩm là cần thiết để ngành thủ công mỹ nghệ có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế quốc tế...", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Bích Phương