Sẵn sàng các phương án phòng ngừa và ứng phó với mùa mưa bão

08/05/2025 9:51 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, nhằm hạn chế thiệt hại cũng như sự ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, các đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ động triển khai nhiều giải pháp từ sớm, sẵn sàng các phương án phòng ngừa và ứng phó với mùa mưa bão.

Dự kiến cắt tỉa gần 400.000 cây xanh đô thị kết hợp chỉnh trang đồng bộ

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm 2025, trên khu vực Biển Đông khả năng xuất hiện 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 4 - 6 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam (mức độ bão tương đương trung bình nhiều năm) với hầu hết các cơn bão tập trung vào nửa cuối mùa bão.

Sẵn sàng các phương án phòng ngừa và ứng phó với mùa mưa bão- Ảnh 1.

Trong năm 2025, thành phố dự kiến cắt tỉa khoảng 395.000 cây xanh đô thị. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Theo đánh giá, so với các tỉnh, thành phố ven biển hoặc trung du, miền núi phía Bắc, Hà Nội là địa phương ít chịu ảnh hưởng của thiên tai hơn. Tuy nhiên, xác định rõ đây là công việc lâu dài, luôn lấy phòng ngừa rủi ro là nhiệm vụ quan trọng, do đó, ngay từ những tháng đầu năm 2025, thành phố Hà Nội đã sớm triển khai công tác ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn mùa mưa bão.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn tới các cấp, ngành nâng cao tinh thần cảnh giác; chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị; chủ động, sẵn sàng ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" với các tình huống có thể xảy ra.

Một số kế hoạch, phương án cũng đã được các sở, ngành xây dựng, như: Cắt tỉa cây bóng mát bảo đảm cảnh quan, mỹ quan đô thị, phòng, chống thiên tai; phương án phòng, chống úng ngập nội thành, phòng, chống cây đổ, cành gẫy trên các tuyến đường đô thị; bảo đảm an toàn chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch trước, trong mùa mưa bão; xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự.

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng đã được rà soát, kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết để ứng phó với các tình huống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

Báo cáo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trong năm 2025, thành phố dự kiến cắt tỉa khoảng 395.000 cây xanh đô thị kết hợp chỉnh trang đồng bộ trên các tuyến đường, nhằm nâng cao thẩm mỹ, hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Không gian ngầm và cây xanh, chiếu sáng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng trực 24/24h, lên phương án giải quyết bảo đảm an toàn mùa mưa bão. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực cùng các phương tiện, thiết bị cơ giới để giải tỏa trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông đối với cây bóng mát bị đổ, cành gãy.

Trường hợp khối lượng lớn cần huy động, bổ sung đơn vị hỗ trợ phối hợp giải tỏa thì các đơn vị khẩn trương báo cáo để Sở Xây dựng để phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội để huy động, điều động tăng cường các đơn vị thuộc lực lượng dự phòng để tham gia giải tỏa khẩn cấp tại hiện trường.

Để ứng phó mùa mưa bão năm 2025, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành, UBND các quận kiểm tra, khảo sát cây sâu mục nguy hiểm, cây chết khô.

Trong quý I, công ty đã cắt tỉa khoảng 8.000 cây, trong quý II dự kiến cắt tỉa khoảng 10.000 cây để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trong mùa mưa bão. Đối với tất cả các trường hợp cây đổ, cành gãy, đơn vị đã phân công cụ thể, từng địa bàn, giao từng cán bộ phụ trách. Bố trí trực 24/24h, nếu có sự cố gãy, đổ cây.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời các sự cố, thiên tai có thể xảy ra

Theo số liệu mới thống kê về bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành thành phố, khi có các trận mưa có lượng mưa từ 50 - 70mm/h tồn tại 11 điểm úng ngập; với những trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước ghi nhận thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.

Triển khai kế hoạch tiêu thoát nước mùa mưa năm 2025, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực nạo vét đồng bộ theo các lưu vực chính đến các tuyến nhánh (tổng hợp khối lượng thực hiện đến 31/12/2024 đã nạo vét bùn cống ngầm bằng thủ công hơn 15.685m3; nạo vét bùn cống ngầm bằng cơ giới 752.940md; nạo vét bùn mương sông, hồ bằng cơ giới và thủ công 201.110m3; nạo vét bùn cống ngang 367.142m3; quản lý duy trì hồ điều hòa: 143.179ha/50 hồ).

Qua đó, bảo đảm thoát nước trên toàn hệ thống, vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm bơm đảm bảo công tác thoát nước kịp thời. Vận hành đúng quy trình, bảo đảm mực nước khống chế trên hệ thống hồ điều hòa, kênh, mương, sông.

Là đơn vị nòng cốt trong việc chống úng ngập tại địa bàn Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã và đang ứng dụng công nghệ, sử dụng camera để kiểm tra, cử công nhân nạo vét đồng bộ các cống, mương thoát nước tại khu vực trọng điểm.

Trong phương án thoát nước thông minh đang áp dụng, "mắt thần" cảm biến được gắn ở nhiều nơi sẽ truyền dữ liệu về trung tâm, lập thành bản đồ ngập úng để thông tin cho người dân Thủ đô biết về các điểm ngập, giúp họ lựa chọn phương án di chuyển, sinh hoạt hợp lý.

Cùng với đó, đường dây nóng 024 39 746 225 và 024 39 762 245 cũng đã được thông báo đến từng hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao để hỗ trợ người dân ứng phó với các điểm úng ngập.

Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời, khẩn trương, hiệu quả các sự cố, thiên tai có thể xảy ra, hạn chế thiệt hại, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục chủ động, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thời tiết, thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; bảo đảm thông tin thông suốt, thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, báo cáo theo quy định.

Đồng thời, các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm, xung yếu, các công trình đê điều, thủy lợi, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ khu vực, công trình có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình… để kịp thời phát hiện vi phạm, hư hỏng, sự cố, nguy cơ mất an toàn; chủ động sơ tán, di dời, có biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp tập trung triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội năm 2025.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thời tiết, thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các khu vực nguy hiểm; các trọng điểm, xung yếu, các công trình đê điều, thủy lợi, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai; chú trọng khu vực, công trình có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình... để kịp thời phát hiện vi phạm, hư hỏng, sự cố, nguy cơ mất an toàn; chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Thùy Chi

Top