Sẵn sàng phương án tiêu thoát nước trước ảnh hưởng của bão số 1
(Chinhphu.vn) - Để chủ động ứng phó với các tình thế thời tiết nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 1 (CHABA), Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai, sẵn sàng các phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt chú trọng các điểm xung yếu úng ngập cục bộ khu vực nội thành.
Bão số 1 đang hướng vào quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12, gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển. Ảnh hưởng của bão, Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ có mưa lớn trên diện rộng trong nhiều ngày...
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong những ngày vừa qua, khu vực Bắc Bộ đã có mưa lớn; đợt mưa này còn kéo dài và diễn biến phức tạp trong những ngày đầu tháng 7 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão; kết hợp các ảnh hưởng có thể xảy ra do tác động của việc vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng; nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi và úng ngập tại các khu vực trũng thấp.
Để chủ động ứng phó với các tình thế thời tiết nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 1, thực hiện Công điện số 01/CĐ-BCH của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai, sẵn sàng các phương án tiêu thoát nước đô thị.
Theo đó, yêu cầu Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước, các phòng ban nghiệp vụ của Công ty tổ chức trực ban 24/24h từ ngày 1/7 đến khi có thông báo mới; thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Sở Xây dựng, các quận, huyện…
Cụ thể, các Xí nghiệp duy trì thoát nước số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, Xí nghiệp Xử lý nước thải thực hiện thanh thải vật cản tại các miệng ga thu, hàm ếch, các cửa xả để bảo đảm nước về nguồn tiêu nhanh nhất, lưu ý tại các công trình, dự án đã thi công xong nhưng chưa được bàn giao, các khu vực có điểm ngập cố hữu…
Đồng thời, Xí nghiệp Yên Sở, Xí nghiệp quản lý duy trì hồ thực hiện thanh thải vật cản tại cửa hút trạm bơm, cửa đập tràn cao su, cửa điều tiết…bảo đảm nước về trạm bơm nhanh nhất; thường xuyên theo dõi mực nước trên các hồ, sông Hồng, sông Nhuệ…để bảo đảm vận hành an toàn cho thiết bị…
Trước đó, chiều 30/6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội có công điện yêu cầu các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành của Thành phố chủ động rà soát các phương án ứng phó thiên tai, sự cố, sẵn sàng với mọi tình huống có thể xảy ra; chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt lưu tâm những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, các vùng chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, vùng có nguy cơ sạt lở, khu vực dễ bị tác động ảnh hưởng bởi thiên tai; hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm "bốn tại chỗ" sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra...
Các quận, huyện, thị xã kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai, công trình dễ bị ảnh hưởng do thiên tai, công trình tiêu thoát nước, công trình xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố, bảo đảm an toàn công trình; sẵn sàng các biện pháp, kịch bản tiêu úng bảo vệ, phục hồi sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân...
Diệu Anh