Sản xuất bền vững, hướng tới tiêu dùng xanh

08/03/2023 3:46 PM

(Chinhphu.vn) - Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần chủ động “nhập cuộc”, bảo đảm các tiêu chí bền vững trong sản xuất kinh doanh.

Sản xuất bền vững, hướng tới tiêu dùng xanh - Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng lớn. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng lớn

Tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên.

Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người.

Sau đại dịch COVID-19, nhiều người tiêu dùng cho biết, họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, BiOrganic, thực phẩm không biến đổi gen,…vì sử dụng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, không tác động tiêu cực đến môi trường. Mặc dù chi phí cho các sản phẩm này tăng cao nhưng người dùng vẫn chấp nhận vì ý thức được vấn đề liên quan đến sức khỏe và hệ sinh thái.

Chị Nguyễn Hà Thu (31 tuổi, Hà Nội) cho biết, trước đây, thỉnh thoảng mới mua các loại thực phẩm organic (hữu cơ) mặc dù hiểu rằng sản phẩm hữu cơ tốt hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn quá trình làm ra sản phẩm organic là trên cơ sở không tổn hại đến môi trường, thì đây trở thành một ưu tiên của chị khi mua sắm, cho dù sản phẩm này có giá đắt hơn.

"Ngoài lợi ích tốt cho sức khỏe thì đây cũng là cách góp phần nhỏ vào việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên", chị Thu vui vẻ nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, qua kết quả một số báo cáo nghiên cứu thị trường tiêu dùng toàn cầu cho thấy, xu hướng tiêu dùng thực phẩm năm 2022 là chú trọng ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe và tiện lợi. Bên cạnh đó, thói quen làm việc ở nhà cũng làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng như ngại ăn uống bên ngoài, tiết kiệm...

Mặt khác, trên thị trường cũng xuất hiện xu hướng tiêu dùng "đạm thay thế" với nhiều hình thức khác nhau. Quyết định mua hàng của người tiêu dùng hiện nay đã có những thay đổi so với trước đại dịch như quan tâm thực phẩm xanh - sạch; đa dạng thực phẩm trong chế độ ăn uống; thân thiện với môi trường…

Chia sẻ dưới góc độ là đơn vị tiên phong phát triển nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ tại Bến Tre tạo ra những sản phẩm sạch đạt chuẩn organic của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản như dầu dừa tinh khiết, nước cốt dừa, nước dừa tươi, sữa dừa…, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới (Vietcoco) cho hay, sau đại dịch thu nhập người tiêu dùng giảm, nhưng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe nên sẵn sàng chi trả để mua những sản phẩm chất lượng.

Mặt khác, người tiêu dùng cũng cân đối lại vấn đề ăn uống theo xu hướng cắt giảm một số nhu cầu khác để tăng cường mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu và tăng cường sức khỏe, nên tạo ra cơ hội cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Nâng cao kim ngạch xuất khẩu

Hiện nay xu thế xuất khẩu qua hệ thống phân phối dựa trên nền tảng thương mại điện tử đang được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp cho doanh nghiệp từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Ông Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc đối tác chiến lược Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới. Báo cáo hoạt động Amazon 2022 dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cho thấy, 2022 là năm khởi sắc của xuất khẩu điện tử trực tuyến tại Việt Nam. Số lượng nhà bán hàng Việt Nam tăng cao trên Amazon. Thời gian tới, Amazon Global Selling sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước xây dựng thương hiệu.

Để gia tăng xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống siêu thị nước ngoài trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã triển khai Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030". Theo đó, sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.

Đối với TP. Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, Thành phố phấn đấu giảm 5%-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất gồm: Dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa, hóa chất, giấy; 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

Đồng thời khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.

Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng. Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng...

Diệu Anh

Top