Sản xuất cây trồng theo định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh

30/12/2023 12:16 PM

(Chinhphu.vn) - Với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, ngoài tập trung phát triển trồng lúa chất lượng cao, Hà Nội còn đẩy mạnh trồng cây ăn quả có giá trị để phát triển tổng thể nền nông nghiệp xanh của Thủ đô.

Sản xuất cây trồng theo định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh- Ảnh 1.

Một trong những mô hình trồng lúa Japonica của Hà Nội. Ảnh: VGP/TT

Hiện nay Hà Nội đang đứng tốp đầu về diện tích sản xuất lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, để phát triển thế mạnh, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng, an toàn VietGAP và hữu cơ; đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của người tiêu dùng.

Ngày 30/11/2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5242/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021-2023, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hàng năm, Hà Nội không ngừng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng và bảo đảm chất lượng.

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, thành phố Hà Nội là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong tốp đầu cả nước, sản lượng gạo tiêu thụ khoảng 1,1 triệu tấn/năm. Với diện tích sản xuất lúa khoảng 160 nghìn hecta, Hà Nội thuộc tốp đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng, an toàn VietGAP, hữu cơ, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của người tiêu dùng; từng bước tham gia thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp Thủ đô tập trung xây dựng, củng cố các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo, góp phần hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.

Đến nay, ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng được vùng trồng lúa Japonica và lúa chất lượng cao thuộc 40 hợp tác xã, tại 37 xã của 10 huyện, với quy mô 3.862ha. Trong đó, có 180ha sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ, 1.630ha sản xuất theo VietGAP và 2.025ha lúa an toàn; 15ha lúa thảo dược. Trong năm 2023, ngành nông nghiệp Thủ đô đã xác lập 3 nhãn hiệu tập thể: "Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ", "Gạo Japonica Mỹ Thành, Mỹ Đức", "Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai", đưa tổng số nhãn hiệu tập thể gạo Hà Nội lên 9 nhãn hiệu.

Ngoài ra, Trung tâm phát triển nông nghiệp cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và củng cố các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa cho nông dân. Ngoài trồng lúa, Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng phát triển cây ăn quả giá trị, nhất là chuối.

Chuối là một trong bốn cây ăn quả chủ lực và đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ... Theo thống kê, diện tích trồng chuối của Hà Nội khoảng 3.960ha, hiệu quả kinh tế đạt 250-300 triệu đồng/ha, trong đó chủ lực có 2 giống: Chuối tây, chuối tiêu.

Năm 2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5472/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa thông tin: Thực hiện kế hoạch, Hà Nội đã hình thành 54 vùng trồng chuối, mở rộng 16 vùng so với năm 2020. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu, Trung tâm triển khai cấp 9 giấy chứng nhận VietGAP cho các điểm sản xuất với quy mô 123ha; phối hợp Viện Bảo vệ thực vật rà soát 28 xã thuộc 7 huyện, qua đó, xác định được 15 xã có khả năng phát triển trồng chuối chất lượng cao.

Đặc biệt, Trung tâm đã hỗ trợ 4 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ chuối: 2 cơ sở ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ); 1 cơ sở Hợp tác xã Văn Khê (huyện Mê Linh), 1 cơ sở tại xã Phú Châu (huyện Ba Vì). Qua đó, đáp ứng yêu cầu khi đưa vào siêu thị và chuỗi cửa hàng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, hướng tới xuất khẩu.

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Trung tâm sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị thành phố tiếp tục tăng cường đầu tư hỗ trợ sản xuất, thiết bị, máy móc phục vụ sau thu hoạch cho các doanh nghiệp, cửa hàng tiêu thụ và các vùng sản xuất, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các huyện xây dựng kế hoạch sản xuất các loại cây trồng theo nhu cầu thị trường, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, giá trị cao của Thủ đô…

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, phát triển trồng mới, trồng thay thế diện tích chuối 450ha (chuối tây, chuối tiêu, chuối William...). Đồng thời duy trì diện tích chuối ổn định 3.900ha; phấn đấu xuất khẩu đạt 20-30% sản lượng hằng năm; xây dựng từ 2 đến 4 cơ sở phát triển sản xuất chuối gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và duy trì từ 3 nhãn hiệu chuối tập thể trở lên. Bên cạnh đó cấp từ 3 đến 5 mã số toàn cầu truy xuất nguồn gốc cho các vùng sản xuất chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 60-80% vùng trồng chuối đạt giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thiện Tâm

Top