Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao từ chuyển đổi số
(Chinhphu.vn) - Việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp là vấn đề thiết yếu, giúp nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho người sản xuất.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.
Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.
Trong đó, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong việc quản lý sản xuất, điều khiển môi trường, nhiệt độ, ánh sáng, từ đó giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản...
Điển hình như các mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng, cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với các cây trồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc nông sản…
Theo ông Tạ văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, để thúc đẩy chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào chuyển đổi số trong việc cung cấp các dịch vụ công thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất đai, cây con giống, thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai. Qua đó, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số nhằm phục vụ quản lý nhà nước và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, việc ứng dụng chuyển đổi số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, thực phẩm, an toàn dịch bệnh định hướng; đào tạo ứng dung công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ,...) nông sản và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đang được nông dân sử dụng để giải bài toán năng suất, chất lượng và giá trị. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp.
Tiêu biểu như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Bình (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín), đây là một trong những mô hình nông nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.
Trước kia đất của Hợp tác xã là đất trồng 2 vụ lúa nhưng hiệu quả kinh tế thấp, người nông dân bỏ hoang hóa nhiều năm. Chính vì vậy, năm 2020, Hợp tác xã đã huy động thành viên góp vốn, thuê đất của các hộ dân để triển khai Dự án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng cây hàng năm sang sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản rau, củ quả an toàn ứng dụng công nghệ cao" trên tổng diện tích chuyển đổi hơn 7.300m2. Theo đó, Hợp tác xã đã thiết kế xây dựng hơn 3.000m2 nhà lưới, nhà màng tổng mức đầu tư trên 1,7 tỷ đồng.
Kết quả sau hơn một năm triển khai trồng 10 nghìn gốc dưa, gồm 2 giống dưa Ichiba (Nhật Bản) và dưa Thiên Nữ (Đài Loan), mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ quy trình canh tác khép kín, hiện đại ứng dung công nghệ tiên tiến nên Hợp tác xã luôn chủ động về nhiệt độ, độ ẩm phòng ngừa sâu bệnh. Xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng, mở tùy điều kiện thời tiết.
Toàn bộ quy trình sản xuất được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, dẫn dinh dưỡng, thông gió, phun sương phù hợp từng loại cây trồng, bảo đảm môi trường lý tưởng cho cây sinh trưởng, phát triển.
Mô doanh thu mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hữu cơ có thể đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm, tỷ suất lợi nhuận khoảng 25,4% so với mức đầu tư ban đầu.
Tại Hà Nội, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra vấn đề cấp thiết phải phát triển một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị vừa tiệm cận với những công nghệ thông minh. Bên cạnh đó, Hà Nội hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương: Lợi thế được cho là lớn nhất của Hà Nội là trên địa bàn Thành phố có nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu. Cùng với đó là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn để đầu tư phát triển. Thông qua việc phát triển nông nghiệp đô thị thông minh, thành phố Hà Nội sẽ giảm thiểu được những tác hại tiêu cực của quá trình đô thị hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Thiện Tâm