Sau Tết: Hàng hóa dồi dào, giá cả dần ổn định

27/01/2023 12:45 PM

(Chinhphu.vn) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, nhiều người dân đã quay lại Thủ đô làm việc. Các cửa hàng, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại hầu hết đã mở cửa bán hàng với lượng hàng hóa khá dồi dào, với giá cả dần ổn định.

Sau Tết: Hàng hóa dồi dào, giá cả dần ổn định - Ảnh 1.

Giá các mặt hàng trái cây tươi ổn định so với thời điểm áp Tết Nguyên đán. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 27/1, tại các chợ trên địa bàn TP. Hà Nội, hoạt động kinh doanh tấp nập trở lại, nguồn cung hàng hóa sau thời gian nghỉ Tết tăng lên, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, trái cây…do hoạt động sản xuất dần bắt nhịp sau kỳ nghỉ.

So với thời điểm giáp Tết, giá các mặt hàng hiện nay đã nhanh chóng ổn định làm người tiêu dùng không còn tâm lý e dè khi mua sắm. Trong khi các năm trước, giá cả nhiều mặt hàng tăng và thường giữ giá trong thời gian khá dài.

Thịt lợn là mặt hàng bày bán sớm và khá nhiều từ sau Tết, giá cả ở mức 90.000-110.000 đồng/kg, tùy loại thịt; giá lợn hơi khoảng 51.000-54.000 đồng/kg; sau đó là thịt bò ở mức giá từ 220.000-300.000 đồng/kg tùy loại. Song, sức tiêu thụ thịt lợn, thịt bò của người dân hiện nay còn ở mức cầm chừng.

Tại các chợ truyền thống, giá nhiều loại rau, củ từng leo thang khá nhanh những ngày cận Tết thì nay đã giảm về mức hợp lý. Cụ thể, giá các loại cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thìa ở mức từ 9.000-15.000 đồng/kg dưa leo khoảng 15.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; rau gia vị từ 15.000-35.000 đồng/kg. Hiện nay, các loại rau củ đã dồi dào trở lại, đáp ứng đủ cho người tiêu dùng.

Khảo sát tại các chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Thành Công (quận Ba Đình), Xuân La (Tây Hồ)…, giá các loại trái cây không thay đổi so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, thanh long có giá 45.000-50.000 đồng/kg, bưởi 25.000-30.000 đồng/quả; cam Canh, cam Sài Gòn 50.000-60.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 55.000-80.000 đồng/kg; roi đỏ ở mức 70.000 đồng/kg.

Ngoài chọn lựa rau và hoa quả, bà Nguyễn Thị Châm (trú tại ngõ 109 Võ Chí Công, Tây Hồ) cho hay: "Hôm nay tôi đi sắm ít thực phẩm sau Tết. Nhưng vì Tết mâm cỗ lúc nào cũng có thịt rồi. Do vậy tôi đã chọn cá để về nấu canh cho gia đình "giải ngán" sau những bữa ăn ngày Tết. Chợ hôm nay vẫn thưa người, nhưng được cái giá hàng hóa đã trở về gần mức bình thường".

Chị Đỗ Thị Mùi (Tiểu thương chợ Nam Trung Yên, Cầu Giấy) cho hay, các loại cá nuôi được nhiều người mua như điêu hồng, cá lóc, cá trê đều có giá bình ổn từ 40.000-50.000 đồng/kg, lươn từ 160.000-170.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Tôm thẻ từ 110.000-140.000 đồng/kg; mực có giá từ 140.000-200.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, thời điểm này nguồn cung cá biển, tôm dần phục hồi và dồi dào hơn. Giá các loại cá tươi sống tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg so với ngày thường, đậu phụ đã tăng gần gấp đôi khi có giá 4.000 đồng/bìa. Tuy nhiên, do là phiên chợ đầu năm nên không khí khá khẩn trương và người đi mua hàng chấp nhận trả giá cao hơn so với ngày thường.

Hoa tươi chủ yếu là hồng và cúc vàng. Nhìn chung, giá bán không tăng nhiều. Giá hoa cúc ở mức 100.000-120.000 đồng/bó 10 bông; hoa lay ơn 120.000-200.000 đồng/10 cành. Hoa hồng có giá bán 20.000-25.000 đồng/bông. Tuy nhiên, do tâm lý thoải mái khi đi chợ trong ngày đầu năm mới nên hầu như các bà nội trợ không trả giá.

Còn tại các siêu thị, giá cả hàng hóa được duy trì ổn định từ trước, trong và sau Tết, nhiều quầy kệ sau Tết nhanh chóng được lấp đầy hàng hóa sau kỳ nghỉ và kinh doanh ổn định trở lại. Tại một số siêu thị như Aeon, BigC, GO!, Tops Market của Central Retail, các loại rau xanh, trái cây khá phong phú. Các mặt hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… khuyến mại, giảm giá. Lượng khách hàng đến mua sắm dần nhộn nhịp trở lại, chủ yếu mua các loại thực phẩm.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa

Sau Tết: Hàng hóa dồi dào, giá cả dần ổn định - Ảnh 2.

Người dân mua rau củ tại siêu thị sau Tết. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Đánh giá chung về đợt phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết khá phong phú, các siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến. Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10% đến 50% để phục vụ khách hàng.

"Theo báo cáo của các đơn vị, năm nay, lượng khách đến trực tiếp siêu thị không nhiều nhưng lượng khách mua trực tuyến tăng tới 50% với những đơn hàng có giá 3-5 triệu đồng trở lên", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Về chuẩn bị hàng hóa sau Tết Nguyên đán, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big C & GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc Lê Mạnh Phong cho biết, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp để dự báo sản lượng sản xuất, cung ứng nên nguồn hàng luôn dồi dào.

Đặc biệt, siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) lần đầu tiên áp dụng chương trình "Khóa giá - bán thịt lợn tươi không lợi nhuận", qua đó chung tay bình ổn thị trường".

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn Co.op Hà Nội, siêu thị đã xây dựng kế hoạch đặt hàng, dự trữ nguồn hàng cụ thể với các đơn vị sản xuất nên nguồn cung hàng hóa không thiếu. Cùng với việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá cả ổn định, siêu thị kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ngay từ đầu vào, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc…

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, thị trường hàng hóa trong những ngày trước và trong Tết tương đối ổn định, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại và chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết. Một số trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa phục vụ nhân dân ngay từ những ngày đầu năm. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, quần áo, bánh kẹo, nước giải khát… có tăng nhẹ nhưng không biến động lớn.

Diệu Anh

Top