Siết chặt kỷ luật, tăng trách nhiệm trong quản lý cháy nổ

05/10/2022 1:46 PM

(Chinhphu.vn) - Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về an ninh trật tự; sẵn sàng, chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống cháy, nổ…là những biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC tại Hà Nội.

Siết chặt kỷ luật, tăng trách nhiệm trong quản lý cháy nổ - Ảnh 1.

Ảnh chụp vụ cháy tại quận Cầu Giấy gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh: VGP/HA

Giám sát các cơ sở karaoke, cơ sở không đảm bảo an ninh, trật tự

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước và TP. Hà Nội nói chung đã xảy ra nhiều vụ cháy, tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp khi một số vụ cháy đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại địa bàn quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Minh Tâm cho biết, Hoàng Mai là địa bàn có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu đô thị, dự án, công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, giải trí. Bên cạnh đó trên địa bàn quận có một số khu nhà tập thể cũ lắp ghép được xây dựng từ những đã xuống cấp, loại nhà chia lô, dạng ống, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ xen kẽ trong khu dân cư…

Điều này đồng nghĩa với đó là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ, cháy lớn rất cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường.

Theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 15/7/2022 tổng số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC tại quận là 8.516 cơ sở. Trong 9 tháng năm 2022, địa bàn quận xảy ra 1 vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn; 13 vụ cháy trung bình; 73 vụ, sự cố cháy nhỏ.

Qua công tác thống kê tình hình cháy nổ trên địa bàn cho thấy, phần lớn các vụ cháy xảy ra là các sự cố cháy bãi rác, chập điện trên cột gây cháy (chiếm đến gần 50% các vụ việc); các vụ cháy ở loại hình nhà dân trung bình chiếm 35%-40%; Cháy Chung cư nhà cao tầng trung bình chiếm: dưới 6%; các vụ cháy loại hình cơ sở sản xuất, kho xưởng chiếm dưới 5%, còn lại xảy ra cháy ở các loại hình khác. Nguyên nhân gây cháy do chập điện chiếm từ 68%-70%.

Trong thời gian qua trên địa bàn cả nước và Hà Nội xảy ra một số vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện (karaoke) gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Công an quận Hoàng Mai đã chủ động tham mưu cho UBND quận ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm đối với các phòng, ban, nghành chức năng, UBND 14 phường liên quan đến công tác quản lý nghành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm về ANTT.

Quận tập trung lực lượng, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh karaoke, cà phê trá hình karaoke hoạt động không phép, thiếu thủ tục hành chính, không đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận.

Quận Hoàng Mai đã đồng loạt ra quân tổ chức tổng kiểm tra đối với 100% các cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke, cà phê trá hình karaoke, làm rõ số cơ sở đủ điều kiện kinh doanh, số không đủ điều kiện theo quy định. Lập hồ sơ xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm, tổ chức ký cam kết đối với chủ cơ sở.

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở không đủ điều kiện chấm dứt hoạt động kinh doanh karaoke, cà phê trá hình karaoke, tăng cường công tác giám sát, lập chốt, đặt các Thông báo tại cơ sở với nội dung: "Cơ sở không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và an ninh, trật tự đề nghị quý khách không sử dụng dịch vụ".

Qua công tác nắm tình hình và điều tra cơ bản hiện nay trên địa bàn quận Hoàng Mai có tổng số 67 cơ sở trong lĩnh vực kinh doanh Karaoke (không có cơ sở kinh doanh dịch vụ bar và vũ trường). Trong đợt cao điểm tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, Công an quận Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra 67 lượt và đã phát hiện 45 trường hợp kinh doanh karaoke, cà phê trá hình karaoke vi phạm, lập hồ sơ đề xuất xử phạt 45 trường hợp với tổng số tiền là 514 triệu đồng).

Đến nay, Hoàng Mai đang tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, làm tốt công tác hướng dẫn, tập huấn cho chủ cơ sở, nhân viên phục vụ, khách sử dụng dịch vụ về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ, mất ANTT. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở noi chung và cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về ANTT trên địa bàn quận. Kiên quyết tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật

Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho chủ cơ sở, nhân viên phục vụ, khách sử dụng dịch vụ về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ, mất ANTT. tai nạn, thảm họa có thể xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của các cá nhân và tổ chức.

Nâng trách nhiệm quản lý của các ngành chức năng

Tại địa bàn huyện Thường Tín, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Minh cho biết địa bàn có nhiều làng nghề, cụm công nghiệp với nhiều loại hình sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, làng nghề có nguy cơ cháy nổ là Tiền Phong chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm; làng nghề Duyên Thái chuyên sản xuất vàng mã, sơn mài.

Trong khi đó, nhận thức về công tác PCCC của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao. Trong đợt cao điểm PCCC, huyện đã kiểm tra 210 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 50 trường hợp với số tiện, tạm đình chỉ, đình chỉ 11 cơ sở.

Huyện đã xây dựng, lập, thực tập phương án chữa cháy tại cơ sở, khu dân cư để nắm bắt tình hình thực tế tại địa bàn, cơ sở liên quan đến công tác PCCC&CNCH, từ đó triển khai có hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp chính quyền kiểm tra, chỉ cho cơ sở các tồn tại, thiếu sót, hướng dẫn cơ sở xây dựng lộ trình khắc phục theo giai đoạn.

Gần đây nhất, trong cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, trong 9 tháng năm 2022, quận xảy ra 24 vụ cháy và 17 sự cố cháy. Trong đó, 1 vụ cháy nghiêm trọng, đã khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh.

Địa bàn quận Cầu Giấy có nhiều khó khăn trong quản lý PCCC do địa bàn rộng, mật độ dân cư đông, các công trình chủ yếu là nhà cao tầng, nhà ống, nhà liền kề… Quận có trên 6.550 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC; 609 cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy nổ; 12 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy. Ngoài ra, có 194/208 khu chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC.

Đoàn kiểm tra liên ngành quận đã tổ chức kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Qua đó, phát hiện 19 cơ sở khó có khả năng khắc phục tồn tại về PCCC để tiếp tục hoạt động, lập biên bản vi phạm hành chính 164 lỗi.

Quận Cầu Giấy xác định siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là chủ tịch UBND các phường trong việc rà soát, xử lý, tái kiểm tra các cơ sở vi phạm về PCCC, quán karaoke trên địa bàn.

Ngoài ra, đầu tư mua sắm trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ từng bước đáp ứng tốt hơn, phù hợp với đặc thù của từng phường trong công tác PCCC.

Hòa An

Top