Số hóa du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách
(Chinhphu.vn) - Việc đưa các ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch không còn xa lạ tại nhiều nơi. Đối với Hà Nội, nhờ sự nỗ lực làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho du khách, nhiều điểm đến, đơn vị kinh doanh du lịch đã triển khai các công nghệ mới, tạo hiệu quả nhất định trong thời gian qua.
Nhiều sản phẩm du lịch mới
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng thông tin, thời gian qua, Hội và Câu lạc bộ du lịch bền vững Vgreen phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng nhiều sản phẩm mới. Đáng chú ý là chùm sản phẩm dành cho Hà Nội với điểm nhấn tour Caravan đến làng cổ Đường Lâm, tour khám phá kiến trúc Đông Dương tại khu vực phố cổ Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội cũng triển khai nhiều tour liên kết đạt hiệu quả, như sản phẩm du lịch Caravan đi 6 tỉnh Tây Bắc.
Ngành du lịch Hà Nội cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố hình thành các tuyến du lịch, như Hà Nội - Lai Châu - Hà Giang; Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La… Các sản phẩm trọng tâm của liên kết vùng sẽ là du lịch đường thủy, nông nghiệp, di sản văn hóa. Hà Nội cũng chú trọng việc phát triển trục du lịch tâm linh Chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình); từ đó tạo được sản phẩm thế mạnh trong mùa lễ hội năm 2023.
Sản phẩm du lịch đêm tiếp tục được làm mới bằng việc tổ chức nhiều hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang-Công viên Thống Nhất mang tính sáng tạo, giàu truyền thống văn hóa…; đưa tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam Vành đai 3 (quận Hoàng Mai) vào hoạt động.
Mới đây, Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc (huyện Sóc Sơn) phối hợp với các công ty du lịch WonderTour và Sunvina Travel xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp với du lịch chăm sóc sức khỏe, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Thủ đô. Sản phẩm mới này được khai thác vào đúng dịp Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, được kỳ vọng là sản phẩm có sức hút du khách khi đến Hà Nội.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích đền Sóc Đàm Thận Thắng, hằng năm, quần thể di tích đền Sóc thu hút hàng vạn người dân và du khách. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, sự kết nối tour, tuyến chưa nhiều, nên lượng khách đến không đồng đều, chủ yếu đông vào đầu năm. "Việc kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh với du lịch chăm sóc sức khỏe mang đến nhiều lợi ích cho du khách, đồng thời giúp địa phương có thể khai thác tốt giá trị điểm đến", ông Đàm Thận Thắng chia sẻ.
Tour văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại Sóc Sơn trước mắt diễn ra trong ngày, gồm các hoạt động trải nghiệm, chiêm bái, cầu an, tham quan tại Khu di tích đền Sóc, chùa Non Nước, Học viện Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, du khách được khám phá, trải nghiệm hoạt động cắm trại, nghỉ ngơi tại Đồng Quan camping…
Cần có những chính sách kiến tạo môi trường
Sở Du lịch Hà Nội vừa có Kế hoạch số 29/KH-SDL triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố năm 2023. Theo đó, Hà Nội sẽ liên kết phát huy tài nguyên và nguồn lực của địa phương để phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường du lịch MICE, sản phẩm du lịch đô thị, biển đảo, chăm sóc sức khỏe, du lịch giáo dục…
Theo các chuyên gia du lịch, để thu hút du khách bên cạnh việc xây dựng tour, tuyến mới còn đòi hỏi ngành du lịch đẩy mạnh số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Thanh Thảo nhấn mạnh, việc đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cấp chất lượng dịch vụ cần phải thực hiện bài bản, thường xuyên, chứ không chỉ là những sản phẩm mang tính nhất thời. Tại Hà Nội, ngành Du lịch Thủ đô xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch chuyên nghiệp và chất lượng hơn.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội đã triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, mạng xã hội trong hoạt động thăm quan, du lịch TP. Hà Nội. Hiện, Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi, đồng thời chuẩn hóa các nội dung thuyết minh tự động bằng 6 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn.
"Nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian", Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho hay.
Thông tin về việc chuyển đổi số phục vụ du khách, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy thông tin, đơn vị đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist để quảng bá sản phẩm tour đêm trên website của các doanh nghiệp, mạng xã hội Facebook, Zalo. "Việc chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để đơn vị liên kết với doanh nghiệp du lịch xây dựng tour thu hút du khách đến với Hà Nội", bà Thủy nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan… Theo các doanh nghiệp, việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp, quy trình kinh doanh. Và sự thay đổi này không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng tâm thế, đủ năng lực thực hiện.
Do đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp có đủ thời gian tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.
Thành Nam