Số lượt khám, chữa bệnh cho người dân Thủ đô tăng 6,5%

25/07/2022 3:30 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Số lượt khám, chữa bệnh cho người dân Thủ đô tăng 6,5% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm số lượt khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Hà Nội tăng 6,5% so với cùng kỳ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 6,5 % so với cùng kỳ; tổng lượt điều trị nội trú là trên 522.000 lượt, tăng 19,3%; tổng lượt điều trị ngoại trú là trên 933.000 lượt, tăng 7,2%.

Các đơn vị trong ngành đã triển khai thực hiện các kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh như: Kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đức Giang; tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới trong chuyên ngành Gây mê hồi sức như gây tê vùng dưới kích thích của máy dò thần kinh; chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh; chuyên ngành Mắt có phẫu thuật Laser không chạm - Smart Surf; chuyên ngành Răng hàm mặt có phẫu thuật nội soi trong sỏi ống tuyến, cấy Implant một thì…

Riêng đối với công tác thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế đã tiếp tục làm tốt vai trò trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó thiết lập, duy trì hệ thống cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, giảm thiểu tỷ lệ người bệnh tử vong; triển khai hiệu quả việc quản lý, giám sát người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà; đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn, từng cấp độ dịch.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định giao giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19 tại 35/41 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố với tổng số 7.330 giường bệnh, trong đó 1.240 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố điều trị trên 32.000 trường hợp người bệnh COVID-19 các mức độ trung bình, nặng, nguy kịch tại bệnh viện, tử vong 1.395 trường hợp (tỷ lệ: 0,08%) thấp hơn so với mức trung bình của cả nước (0,4%). Từ 19/4/2022 đến nay không ghi nhận tử vong do COVID-19.

Theo bà Trần Thị Hà, Giám đốc Sở Y tế, hiện tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố hiện đang được kiểm soát tốt và đã bước sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây ghi nhận sự gia tăng trở lại số mắc bệnh và sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 (có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ), do đó trong thời gian tiếp theo có thể ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ.

Toàn thành phố đã tiêm được trên 19 triệu mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tỉ lệ tiêm mũi cơ bản đạt 97,8%, tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 đạt 96,6%, tiếp tục đang triển khai tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho người dân, hiện đã tiêm được 20,3%.

Đối với sốt xuất huyết Dengue, Hà Nội ghi nhận 254 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong; số mắc giảm so với cùng kỳ 2021 (có 295 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong). Hiện đã bước vào mùa dịch hàng năm nên trong thời gian tới dịch bệnh sẽ có diễn biến phức tạp. Vì vậy, các đơn vị cũng như người dân cần giám sát chặt chẽ, chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hoá chất, vật tư, nhân lực phục vụ phòng, chống, điều trị, kiểm soát dịch từ các ca bệnh, ổ dịch nhỏ, hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã phố ghi nhận trên 1.000 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận tử vong; số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (191 mắc/0 tử vong).

Để nâng cao công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong thời gian tới, bà Trần Thị Nhị Hà yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội tiếp tục trển khai việc thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Đồng thời nâng cao chất lượng điều trị nội trú, kiểm soát tốt, phòng ngừa sự cố y khoa; rà soát, cập nhật các phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc người bệnh.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện thông tư về kê đơn thuốc điện tử, thực hiện lộ trình áp dụng chữ ký số, bệnh án điện tử tại các đơn vị trong ngành. Tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và các dịch bệnh lưu hành; duy trì thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn bệnh viện, an toàn nhân viên y tế; bảo đảm các điều kiện cho hoạt động khám chữa bệnh như củng cố, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; bổ sung trang thiết bị y tế; đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao trong hoạt động khám, chữa bệnh của người dân.

Thiện Tâm

Top