Sốt xuất huyết diễn biến bất thường, nhiều ca nặng tăng cao

16/11/2022 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện dịch sốt xuất huyết vẫn đang có chiều hướng tiếp tục gia tăng ở các địa phương. Tại Hà Nội, số ca mắc mới mỗi tuần đều tăng từ 2-3% so với tuần trước đó và hiện đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch.

Sốt xuất huyết diễn biến bất thường, nhiều ca nặng tăng cao - Ảnh 1.

Lãnh đạo quận Long Biên kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở Y tế, trong tuần (từ ngày 4 đến 11/11), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca). 

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 545/579 xã, phường, thị trấn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào trung tuần tháng 11 đến tháng 12, vì vậy hiện nay đang là giai đoạn cao trào phát triển của dịch bệnh.

Tại bệnh viện Thanh Nhàn, tính từ tháng 10 đến thời điểm này, bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến khám do sốt xuất huyết. Lũy tích đến nay bệnh viện tiếp nhận 1.500 ca mắc, thời điểm hiện tại có 250 ca bệnh nội trú. Lượng bệnh nhân quá tải dẫn đến nhiều khoa, phòng được huy động để tiếp nhận ca mắc. Chỉ tính riêng đơn nguyên chống dịch của bệnh viện hiện đã có tới 100 bệnh nhân. Đáng nói, tỷ lệ ca nặng đến rất nặng hiện nay đang tăng cao đáng kể.Theo bệnh nhân Nguyễn Quang Sơn, quận Hai Bà Trưng cho biết, gia đình anh không có ai mắc sốt xuất huyết nên khi thấy sốt, anh không nghĩ mình bị mắc nên tự uống thuốc hạ sốt. Đến khi thấy cơ thể đau nhức, sốt cao, anh đi xét nghiệm và kết quả dương tính với sốt xuất huyết, tiểu cầu hạ nhanh chỉ số 39 và được yêu cầu nhập viện ngay lập tức.

Ths, bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn, thông thường các ca mắc sốt xuất huyết 3 ngày đầu chỉ bị sốt, nhưng trong năm nay có những ca chỉ 1 ngày sốt, khi vào viện đã bị giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận. Tỷ lệ này năm nay chiếm tới 30-40%.

Bên cạnh đó, thời điểm này đang có nhiều dịch bệnh cùng lưu hành có dấu hiệu khởi phát giống nhau như COVID- 19, cúm A, cúm B. Vì vậy, người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe ngay từ đầu, không chủ quan tự điều trị.

Sốt xuất huyết diễn biến bất thường, nhiều ca nặng tăng cao - Ảnh 2.

Phun thuốc diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, trước tiên người bệnh cần phải đến cơ sở khám chữa bệnh để xem nguyên nhân sốt từ đâu. Nếu như là sốt xuất huyết thì 3 ngày đầu bác sĩ có thể cho điều trị tại nhà, nhưng đến ngày thứ 4 phải theo dõi sát sao tại cơ sở y tế.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến sốt xuất huyết năm nay nặng hơn cả về số lượng bệnh nhân và tỷ lệ ca nặng bất thường như do yếu tố thời tiết, do hệ miễn dịch suy giảm sau khi người dân nhiễm COVID- 19. Chính vì vậy, cách tốt nhất để đề phòng mắc bệnh là người dân cần đề phòng muỗi đốt (mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay…), vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy.

Theo ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, dịch sốt xuất huyết sẽ kéo dài hết tháng 11 đến giữa tháng 12. Đây là thời gian rất quan trọng nếu không chủ động phòng chống dịch thì khó để dịch chấm dứt sớm trong năm nay. Bên cạnh những biện pháp phòng dịch mà các ngành chức năng vẫn đang triển khai, thì ý thức người dân là vô cùng quan trọng. Theo đó, người dân cần chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi loăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và phối hợp trong công tác phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống sốt xuất huyết.

Thiện Tâm

Top